Năm học 2022-2023 gần 100 nghìn thí sinh trúng tuyển khối đại học, cao đẳng sư phạm nhưng không nhập học

Diễn đàn
03:28 PM 21/12/2022

Theo Thông báo số 1791/TB-BGDĐT về Kết luận của Thứ trường Hoàng Minh Sơn tại cuộc họp giao ban quý IV năm 2022 về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học, cao đẳng sư phạm, năm học 2022-2023 có gần 100 nghìn thí sinh trúng tuyển khối đại học, cao đẳng sư phạm nhưng không nhập học.

Ngày 30/11/2022, tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã chủ trì cuộc họp giao ban quý IV năm 2022 về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học, cao đẳng sư phạm.

Năm học 2022-2023 gần 100 nghìn thí sinh trúng tuyển khối đại học, cao đẳng sư phạm nhưng không nhập học - Ảnh 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học năm 2023

Công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và các năm gần đây, một số điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng CNTT tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Kỳ thi THPT tiếp tục bảo đảm độ tin cậy, ngoài đánh giá quá trình học tập, công nhận tốt nghiệp và căn cứ để tuyển sinh, phần lớn các trường vẫn sử dụng kết hợp cùng với các phương thức tuyển sinh khác. Toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (nâng cấp, mở rộng từ hệ thống phần mềm hiện có, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết ngưỡng điểm xét tuyển do các CSĐT công bố. Tất cả nguyện vọng của thí sinh trong đợt xét tuyển chính (đợt 1) được xử lý tập trung trên hệ thống để xác định ngành và trường mà thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng ưu tiên cao nhất.

Các CSĐT có dữ liệu về kết quả thí tốt nghiệp THPT, kết quả học tập bậc THPT và thông tin về ưu tiên khu vực, đối tượng của thí sinh trên Hệ thống để xét tuyển. Các CSĐT được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các CSĐT tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố.

Năm học 2022-2023 gần 100 nghìn thí sinh trúng tuyển khối đại học, cao đẳng sư phạm nhưng không nhập học - Ảnh 2.

Các thí sinh tham dự ngày hội tuyển sinh năm học 2022

Bộ GDĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả CSĐT phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các CSĐT điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh. Triển khai tự chủ đại học mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực trong toàn hệ thống; Đội ngũ GV gia tăng về số lượng và chất lượng; Số CTĐT được công nhận kiểm định tăng mạnh, nhất là kiểm định nước ngoài; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong dạy và học; tổ chức dạy và học trực tuyến duy trì chất lượng đào tạo trong điều kiện khó khăn của đại dịch.

Công tác tuyển sinh năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; thí sinh còn gặp khó khăn trong việc thực hiện thanh toán lệ phí trực tuyến. Một số CSĐT đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển. Gần 100 nghìn thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Một số CSĐT xét tuyển bổ sung nhưng không báo cáo kết quả lên Hệ thống theo quy định. Khó khăn trong tuyển sinh của một số ngành đào tạo. Một số CSĐT xét tuyển sớm chưa hiệu quả. Thí sinh phải đăng ký xét tuyển nhập học trên cả hệ thống chung và tại CSĐT. Giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.

Năm học 2022-2023 gần 100 nghìn thí sinh trúng tuyển khối đại học, cao đẳng sư phạm nhưng không nhập học - Ảnh 3.

Các thí sinh tham dự ngày hội tuyển sinh năm học 2022

Tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tự chủ đại học còn có hạn chế. Nhận thức và năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý còn hạn chế; Cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ lãnh đạo một số CSĐT chưa được kiện toàn; một số CSĐT còn chậm trong chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy và học; một số nơi chưa đảm bảo duy trì ngành đào tạo, đáp ứng gia tăng số lượng, duy trì và nâng cao chất lượng; Còn hạn chế trong thu hút nguồn lực cho phát triển KHCN, gắn với đào tạo sau đại học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu... Thanh tra nội bộ chưa thực sự là lực lượng hữu hiệu trong quản trị nhà trường.

Định hướng công tác tuyển sinh năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng tiếp tục ổn định như năm 2022 và nghiên cứu rút ngắn thời gian tuyển sinh để các khóa học mới có thể khai giảng năm học đầu tháng 9 năm 2023.

Châu Nguyên
Ý kiến của bạn