Nam Phi ban bố tình trạng thảm họa do lũ lụt
Hàng nghìn binh sĩ Nam Phi sẽ được điều động cứu trợ tại tỉnh KwaZulu-Natal, nơi có hơn 440 người chết do lũ lụt, sạt lở và hàng chục người khác vẫn đang mất tích.
Một tuần sau khi mưa lớn xuất hiện, Lực lượng Phòng vệ quốc gia Nam Phi (SANDF), ngày 18/4, thông báo, SANDF đã chỉ đạo triển khai 10.000 binh sĩ tới các điểm lũ lụt, sạt lở làm nhiệm vụ dọn dẹp và vận chuyển hàng cứu trợ. SANDF cũng sẽ hỗ trợ về y tế và huy động trực thăng để tham gia các nỗ lực thăm dò và cứu nạn tại khu vực xảy ra thảm họa.
Lũ lụt đã khiến ít nhất 443 người thiệt mạng và hơn 60 người khác mất tích. Gần 4.000 ngôi nhà đã bị tàn phá ở tỉnh KwaZulu-Natal và hơn 40.000 người phải di dời do lũ lụt. Nước lũ đã phá hủy một số cơ sở hạ tầng đường sá, cầu cống, nước và điện, đặc biệt làm gián đoạn các hoạt động tại Durban - một trong những cảng đông đúc nhất ở châu Phi.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 18/4, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, Nội các của ông đã ban bố tình trạng thảm họa trên toàn quốc do lũ lụt và thời tiết cực đoan tại một số tỉnh.
Tổng thống Ramaphosa tuyên bố: "Đây là một thảm họa nhân đạo đòi hỏi nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và quy mô lớn".
Với việc ban bố tình trạng thảm họa, Chính phủ Nam Phi có thể triển khai nỗ lực ứng phó tình hình thời tiết hiện nay một cách hiệu quả hơn. Bộ trưởng Tài chính sẽ đề nghị Quốc hội thông qua khoản chi bổ sung trị giá hơn 68 triệu USD.
Bên cạnh đó, Tổng thống Ramaphosa cho biết, Quỹ Đoàn kết sẽ thiết lập một tài khoản ngân hàng riêng cho người dân Nam Phi và các nhà tài trợ quốc tế để quyên góp tiền giúp đỡ những người bị ảnh hưởng. Quỹ Đoàn kết được thành lập vào thời điểm đỉnh dịch COVID-19 như một nền tảng để nhận các khoản đóng góp cho hoạt động cứu trợ. Cơ quan chức năng đang nỗ lực đánh giá và định lượng thiệt hại ở 2 tỉnh KwaZulu-Natal và Eastern Cape.
Trước đó, Tổng thống Nam Phi đã hoãn chuyến thăm làm việc tới Saudi Arabia để tham gia các buổi làm việc ứng phó với tác động của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra trên diện rộng trên toàn quốc.
Linh Mai (Theo Reuters)Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.