Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp
Hậu Covid- 19, Việt Nam được đánh giá về cơ hội “hiếm có”, "cơ hội vàng” cho sự “chuyển biến ngoạn mục” trong thu hút nguồn vốn FDI. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, các khu công nghiệp (KCN, KKT) trên cả nước thu hút được khoảng 390 dự án FDI với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 4,3 tỷ USD.
“Làn sóng” các ông lớn chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam được xem là lực đẩy quan trọng tạo sức hút mạnh mẽ cho các Khu công nghiệp (KCN). Để đón “làn sóng” này một trong những vấn đề cần đặt ra là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nền kinh tế nói chung và cho các doanh nghiệp tại các KCN nói riêng. Đây được xem là một vấn đề có tính chiến lược không chỉ của riêng các KCN mà còn là nhiệm vụ chung của cả Quốc gia, do vậy cần có sự định hướng và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chức năng từ Trung ương tới địa phương cùng với sự nỗ lực của người lao động làm việc trong các KCN.
Theo số liệu phân tích, tổng hợp của tác giả thì cơ cấu lao động tại các KCN được phân bổ như sau:
- Về độ tuổi: Độ tuổi của người lao động trong các KCN phần lớn đều còn rất trẻ, trong đó: dưới 18 tuổi chiếm 1%; từ 18 đến 30 tuổi chiếm 50,4%; từ 31 đến 40 tuổi chiếm 27,5%; từ 41 đến 50 tuổi là 15%, trên 50 tuổi chiếm 6.1%.
Biểu đồ tỷ lệ lao động tại các KCN theo độ tuổi.
- Về trình độ đào tạo: Phần lớn lao động trong các KCN chưa qua đào tạo, trong đó: 75% lao động có trình độ THPT và THCS chưa được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn; 9,78% lao động có trình độ Trung cấp; 13.5% lao động có trình độ Cao đẳng, Đại học.
- Về thâm niên nghề nghiệp: Tỷ lệ lao động có thâm niên nghề nghiệp dưới 1 năm là 9%, còn lại phần đa lao động có thâm niên công tác từ 1 năm trở lên và chiếm tới 90% lực lượng lao động trong các KCN, trong đó cao nhất vẫn là nhóm lao động có thâm niên từ 1 đến 3 năm chiếm 38%, tiếp sau đó là nhóm lao động có thâm niên từ 6 đến 10 năm chiếm 23%, còn lại là những nhóm có thâm niên khác.
Qua những phân tích và tổng hợp số liệu trên có thể thấy rằng, chất lượng lao động trong các KCN là chưa cao, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả kinh tế. Do vậy cần thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong thời gian tới:
Thứ nhất, điều chỉnh mục tiêu đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp
Trước hết, các cơ sở đào tạo phải xác định lại mục tiêu đào tạo: Đó là những công nhân kỹ thuật, kỹ sư có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, được trang bị kỹ thuật, nghiệp vụ tiên tiến phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp, có tác phong công nghiệp cao. Để làm được việc này, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần tổ chức điều tra khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo nghề của người lao động và của doanh nghiệp để có những cơ sở dữ liệu chính xác giúp các cơ sở đào tạo nghề xây dựng mục tiêu đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế và tương lai.
Thứ hai, nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng trong đào tạo nghề
Điều kiện đảm bảo chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực tập trung vào 03 yếu tố: trình độ của đội ngũ giáo viên dạy nghề, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, chương trình đào tạo.
Về nâng cao chất lượng giảng viên dạy nghề, cần chuẩn hóa và tập trung củng cố, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề. Đội ngũ giáo viên phải chuyên nghiệp và đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, phương tiện dạy học hiện đại, gắn kết giữa lý thuyết và thực hành trên máy móc thiết bị hiện đại trong quá trình giảng dạy.
Về đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, cần tập trung đầu tư cho một số trường nghề trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nhà xưởng thực hành...
Về nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn để xây dựng chương trình đào tạo, sao cho chương trình đảm bảo tính hội nhập và tiên tiến hướng tới đào tạo những gì doanh nghiệp cần. Chương trình phải hướng đến đào tạo hợp lý 03 vấn đề: kiến thức, kỹ năng, thái độ.
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo nghề
Mời những chuyên gia trên thế giới có kinh nghiệm, có trình độ, cập nhật các thông tin khoa học kỹ thuật hiện đại tham gia giảng dạy, qua đó học hỏi trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên. Có chính sách khuyến khích, thu hút và cử giáo viên đi học tập, nâng cao trình độ ở các nước tiên tiến.
Thứ tư, đa dạng hóa loại hình đào tạo
Cần triển khai đa dạng các loại hình đào tạo bao gồm: Đào tạo tập trung tại các cơ sở dạy nghề, dạy nghề tại doanh nghiệp và tại nơi làm việc, liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, dạy nghề lưu động, dạy nghề trực tuyến (các nội dung lý thuyết).
Thực hiện tốt các giải pháp trên, cùng với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, tình hình an ninh, chính trị ổn định sẽ đảm bảo cho Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư trên thế giới.
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.