Nâng cao chất lượng để tăng giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên

Địa phương
10:04 AM 24/02/2023

Ngày 23/2, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị chuyên đề bàn về các giải pháp tăng cường, phối hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên.

Tỉnh Thái Nguyên xác định, cây chè là cây trồng thế mạnh, chủ lực của tỉnh trong phát triển nông nghiệp. Tỉnh đã đề ra các mục tiêu, giải pháp phát triển ngành chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm chè để nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Năm 2022, sản lượng, diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên đang dẫn đầu cả nước. Toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm đạt 20,9 nghìn ha. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 260 nghìn tấn, giá bán chè Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn các vùng chè khác trong cả nước.

Cây chè ngày càng khẳng định được vị thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, là cây trồng làm giàu cho người nông dân Thái Nguyên. Đặc biệt hơn, phát triển sản xuất chè ở Thái Nguyên luôn gắn với bản sắc, văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Với những lợi thế và chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào chế biến, tiêu thụ chè Thái Nguyên, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Diện tích chè an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ được cấp chứng nhận còn thấp so với yêu cầu (4.494,7/22.200ha chiếm 20,25%); lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia sản xuất chè giảm; quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là quy mô hộ, mặc dù đã phát triển thêm nhiều hợp tác xã, nhưng chưa có sự liên kết giữa các hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè; thị trường tiêu thụ nội địa là chủ yếu, khối lượng và giá trị xuất khẩu thấp; công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quản lý nhãn hiệu, thương hiệu chè Thái Nguyên chưa được quan tâm đúng mức,....

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung, trong đó tập trung vào đánh giá về tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức hội và doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh chè về phát triển và nâng cao giá trị sản xuất chè và thương hiệu sản phẩm trà tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới.

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm chè để nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên - Ảnh 2.

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà tỉnh Thái Nguyên.

Trong đó, tập trung vào việc thống nhất về định hướng, giải pháp phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè tỉnh Thái Nguyên. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, tổ chức triển khai, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo các vướng mắc, khó khăn và đề xuất UBND tỉnh giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển sản xuất chè theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Đề án sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Chỉ đạo triển khai công tác quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn sản phẩm chè gắn với thực hiện chuyển đổi số. Tăng cường quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chè trong tỉnh được tham gia các cuộc hội nghị giao thương, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè.

Tăng cường hướng dẫn các thủ tục về sở hữu trí tuệ; thực hiện nội dung hỗ trợ tạo dựng thương hiệu sản phẩm chè. Đặc biệt, triển khai mạnh công tác quản lý sử dụng Chỉ dẫn địa lý "Tân Cương" đối với sản phẩm chè trên thị trường.

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm chè để nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên - Ảnh 3.

Thu hái chè ở xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Đẩy mạnh việc nghiên cứu sự phù hợp, khả năng đáp ứng, duy trì các tiêu chí, quy định pháp luật của các quốc gia, thị trường tiêu thụ sản phẩm chè tiềm năng trên thế giới để lập hồ sơ và hoàn thiện các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên ".

Triển khai các hoạt động văn hoá chè và chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch trong đó tập trung xây dựng mô hình sản xuất, làng nghề chè gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái, di tích lịch sử, văn hoá, ẩm thực trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường về kinh doanh sản phẩm chè; kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định về kinh doanh sản phẩm chè.

Hướng dẫn hỗ trợ thành lập mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã chè; hỗ trợ và phát triển mô hình hợp tác, liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm chè.

Thế Lợi
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.