Nâng cao hiệu quả sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp
Câu chuyện “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” đã xảy ra và chưa có dấu hiệu kết thúc đối với nền nông nghiệp nước nhà. Để giải quyết “bài toán” này, thị trường tiêu thụ là yếu tố quan trọng nhất.
Câu chuyện "được mùa mất giá", "được giá mất mùa" đã xảy ra và chưa có dấu hiệu kết thúc đối với nền nông nghiệp nước nhà. Để giải quyết "bài toán" này, thị trường tiêu thụ là yếu tố quan trọng nhất. Việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp kiểm soát, nâng cao chất lượng nông sản, ổn định khâu tiêu thụ đồng thời cũng là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngày càng nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho các thành phần tham gia chuỗi liên kết, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như thu nhập của người nông dân.
Hợp tác xã Nông sản an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam là một trong những cơ sở tiên phong triển khai hiệu quả mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn tại tỉnh Hà Nam. Trên diện tích gần 5 ha đất bãi ven sông, hợp tác xã xây dựng 1.000 m2 nhà lưới trồng các loại rau ăn lá. Bên ngoài nhà lưới, đơn vị trồng các loại rau củ, quả theo quy trình sản xuất rau an toàn. Nông sản của hợp tác xã được ký kết tiêu thụ cho các bếp ăn tập thể, cửa hàng rau sạch trên địa bàn tỉnh và hệ thống siêu thị Vinmart với giá cao và ổn định nên không có tình trạng được mùa mất giá.
Đặc biệt, vụ Đông năm 2019 - 2020, hợp tác xã thực hiện liên kết với Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco sản xuất 4 ha bắp cải theo tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt để xuất khẩu sang thị trường khó tính là Nhật Bản. Đến nay, hơn 100 tấn bắp cải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của hợp tác xã đã được xuất sang Nhật Bản.
Không chỉ riêng HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp, đến nay, toàn tỉnh Hà Nam đã xây dựng được hơn 160 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả và dược liệu tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch; trong đó có 33 mô hình có quy mô từ 3 ha/mô hình trở lên; thành lập mới 15 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ít thành viên chuyên sản xuất rau, củ, quả an toàn.
Toàn tỉnh hiện có 24 cửa hàng giới thiệu, bán nông sản sạch. Các hợp tác xã, các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân đã chủ động hơn trong việc xác định đối tác để liên kết; tổ chức bàn bạc, thống nhất cơ chế, ký kết hợp đồng chuyển giao, cung ứng vật tư và giá cả để đảm bảo quyền lợi cho cả 2 bên. Các mô hình liên kết hiện nay đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người nông dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Hà Nam tại xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là một trong những doanh nghiệp tiên phong của tỉnh Hà Nam trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Vừa qua công ty đã lắp đặt thêm 1 modul nhà kính với diện tích 1 ha làm nơi ươm cây giống phục vụ sản xuất. Như vậy, đến nay công ty có 5 modul nhà kính công nghệ cao. Cũng trong năm 2019, VinEco đã liên kết với các HTX sản xuất bắp cải xuất khẩu sang Nhật Bản, với sản lượng khoảng 400 tấn.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, các dự án do doanh nghiệp thực hiện tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo chuỗi, quy mô tập trung, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, có gắn kết với thị trường tiêu thụ, cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-30% so với ngoài mô hình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển liên kết chuỗi còn nhiều khó khăn. Tại một số địa phương, chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương; năng lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất của nhiều hộ dân còn hạn chế, nông dân thiếu vốn để đầu tư công nghệ, máy móc sơ chế, bảo quản nông sản; cung cầu về sản lượng, chủng loại cây trồng giữa các bên nông dân và doanh nghiệp chưa bảo đảm cả về số lượng và chất lượng.
Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, hiện nay đối với các hộ sản xuất, HTX chưa được đầu tư chiều sâu ở chế biến, bảo quản, chủ yếu là sơ chế. Hà Nam cũng đang kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ hộ gia đình, HTX các cơ sở bảo quản, chế biến nông sản. Về chương trình kế hoạch mở rộng diện tích, tỉnh Hà Nam tiếp tục tích tụ, tập trung đất đai để thu hút doanh nghiệp, xây dựng cơ chế để tiếp tục mở rộng các chuỗi liên kết.
Những vấn đề của thị trường và sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng nông sản đòi hỏi người nông dân phải thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là sự cần thiết tất yếu giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản là xu hướng tất yếu đồng thời cũng là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thế HiệpSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.