Nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động

Doanh nghiệp - Doanh nhân
02:06 PM 15/06/2021

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động (CNLĐ).

Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của người lao động (NLĐ). 

So với 5 năm trước, số lượng CNLĐ có việc làm tăng 26%, trong đó, việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của CNLĐ ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp (DN).

Nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động - Ảnh 1.

Ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19.Ảnh: Hải Nguyễn

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ CNLĐ vẫn chưa có việc làm ổn định, phù hợp; điều kiện làm việc ở nhiều DN và đời sống của CNLĐ chưa được cải thiện, có nơi còn yếu kém, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của DN, tác động đến đời sống, việc làm của nhiều CNLĐ, đặc biệt ở bộ phận lao động giản đơn.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho CNLĐ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của CNLĐ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể và bảo đảm bố trí, khơi thông nguồn lực thực hiện.

Tiếp tục chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế thực chất ở địa phương phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế - xã hội bao trùm. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP...) theo các điều khoản Việt Nam đã ký kết. Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế, giúp CNLĐ được thụ hưởng các quyền và điều kiện lao động ngày càng tốt hơn.

Huy động nguồn lực tài chính xây dựng hạ tầng xã hội, phát triển nhà ở cho CNLĐ

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quy hoạch, bố trí, huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ lao động sản xuất, đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của CNLĐ và gia đình. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại nơi ở và nơi làm việc của công nhân. Có biện pháp ngăn ngừa CNLĐ tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ liên quan đến "tín dụng đen", đề xuất các chính sách tín dụng vi mô hỗ trợ CNLĐ.

Nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động - Ảnh 2.

Quan tâm chăm lo nâng cao đời sống cho người lao động

Chủ động xây dựng, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho CNLĐ tại các khu công nghiệp. Khẩn trương xây dựng các mô hình "khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ" đồng bộ, gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng, đáp ứng được nhu cầu riêng cho CNLĐ các khu công nghiệp, kể cả chuyên gia và lao động chất lượng cao.

Tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông CNLĐ; chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, giúp CNLĐ và các DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm.

Ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân, doanh nghiệp 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 và kịp thời tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động để hỗ trợ thích ứng, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch COVID-19.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực trên, nhất là thực tiễn thực hiện pháp luật tại các khu công nghiệp và khu chế xuất; nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch COVID-19 để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tập trung sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công nhân lao động.

Bố trí kinh phí bảo đảm việc làm, cải thiện điều kiện làm việc của CNLĐ

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, bố trí kinh phí chi thường xuyên thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực đảm bảo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của CNLĐ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và khả năng cân đối ngân sách hằng năm, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động - Ảnh 3.

Bố trí kinh phí bảo đảm việc làm, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả các thiết chế văn hóa nâng cao đời sống văn hóa cho CNLĐ, phù hợp với phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch phát triển đô thị; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát huy các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ.

Bộ Y tế hướng dẫn bữa ăn ca cho NLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng quy chuẩn định mức calo bảo đảm dinh dưỡng, mức bồi dưỡng đối với các đối tượng lao động đặc thù; phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng các mô hình nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc phù hợp với đặc thù của các ngành nghề.

Hỗ trợ người sử dụng lao động vay để trả lương và phục hồi sản xuất 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của NLĐ; phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho đối tượng là NLĐ có thu nhập thấp, người dân ở vùng khó khăn. Tập trung hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về việc làm, điều kiện làm việc, mức sống của CNLĐ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tạo sự quan tâm, đồng thuận và huy động toàn xã hội tích cực tham gia công tác đổi mới, bảo đảm việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao mức sống của CNLĐ.

Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là quan tâm chăm lo trong các dịp Tết Nguyên đán hằng năm cho đoàn viên, NLĐ, đặc biệt đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số.

Kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật của CNLĐ với Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong DN nâng cao tính thực chất của các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đặc biệt về tiền lương của NLĐ gắn với năng suất lao động và kết quả thực hiện công việc phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.

Quang Dũng
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.