Nâng cao năng lực truyền thông trong lĩnh vực kinh doanh
Ngày 27/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tổ chức Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 843-QĐ/TTG ngày 14/7/2024 ban hành chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, rà soát và hoàn thiện chính sách pháp luật thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027 để phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực.
Chương trình tập trung vào các lĩnh vực như: đầu tư, môi trường, lao động, bảo vệ quyền lơi ích hợp pháp của người lao động người tiêu dùng và các nhóm dễ bị tổn thương, qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Để triển khai Quyết định của Chính phủ, Bộ TTTT cũng đã ban hành Quyết định số 965-QĐ/BTTT, ngày 13/6/2024 ban hành kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TTTT cho biết kinh doanh có trách nhiệm là hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật và thực hiện các biện pháp đánh giá, ngăn ngừa, giảm thiểu và khắc phục các tác động bất lợi của hoạt động kinh doanh đối với con người, môi trường và xã hội.
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp tại trên thế giới và Việt Nam hiện nay.
Qua đó, ông Hồ Hồng Hải mong muốn các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí sẽ truyền tải những thông tin tích cực đầy đủ trên báo chí, chung tay cùng Bộ TTTT, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành trong việc nâng cao nhận thức, năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững tại Việt Nam.
Cũng tại buổi tập huấn, Tiến sỹ Lưu Hương Ly - Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp đã đưa ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cho việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
Một là, nâng cao nhận thức, năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Hai là, bảo đảm Nhà nước ban hành chính sách và pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo đúng các cam kết quốc tế, xây dựng các biện pháp ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Ba là, bảo đảm các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên mức quy định tối thiểu của pháp luật.
Bốn là, nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp ở Việt Nam.
Năm là, hoàn thiện các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
PVTheo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.