Nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng
Ngày 23/04, tại Hà Nội, Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo tham vấn "Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng".
Sự kiện có sự tham dự của đại diện các cơ quan Trung ương, các chuyên gia từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ban Tuyên giáo TW; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ LĐTBXH;… Ngoài ra, còn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu trực tiếp và trực tuyến là các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các đại diện của một số cơ quan, tổ chức nghề nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan báo chí ở trung ương và Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Ngọc Thủy - Điều phối viên quốc gia của ETP/UNOPS - chia sẻ: Chương trình "Truyền thông Nâng cao Nhận thức Cộng đồng về Chuyển dịch Năng lượng" hướng đến mục tiêu đặt người dân làm trung tâm, đảm bảo rằng mọi chủ thể trong xã hội tham gia tích cực, chủ động vào quá trình chuyển dịch năng lượng, một nội dung quan trọng của tăng trưởng xanh mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới, và cũng là yếu tố tiên quyết hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bà Nguyễn Ngọc Thủy khẳng định: Chuyển dịch năng lượng là một vấn đề đa diện, đa ngành, đa lĩnh vực, đa giá trị, bao hàm những nội dung phức tạp như tài chính và đầu tư, phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo, việc làm xanh, hay nâng cao khả năng tiếp cận năng lượng sạch với giá cả phải chăng cho các đối tượng ở vùng sâu vùng xa…
Sự chuyển đổi hướng tới năng lượng sạch và tăng trưởng xanh sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới về việc làm, phát triển công nghệ tiên tiến, tăng trưởng kinh tế và xã hội, nhưng cũng đặt ra nhiều bài toàn khó cho các nền kinh tế, bao gồm: Làm thế nào để giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và sự thay đổi lớn về cơ cấu lao động trong các ngành, lĩnh vực liên quan đến năng lượng hóa thạch.
Chuyển dịch năng lượng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, thay vì mỗi tổ chức, doanh nghiệp, hay cá nhân đơn lẻ. Mỗi hành động, dù nhỏ ví như tiết kiệm điện, tái chế, sử dụng phương tiện đi lại và sinh hoạt thân thiện với môi trường…, cũng góp phần quan trọng vào nỗ lực chung giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo như một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, trong kịch bản net zero, thay đổi trong hành vi sẽ giảm lượng khí thải và giảm nhu cầu năng lượng cho tòa nhà, giao thông đường bộ và hàng không. Ước tính, tổng lượng khí CO2 phát thải trong kịch bản NZE từ năm 2021 đến 2050 sẽ giảm khoảng 4% nếu có những hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam ngày càng tăng cao, ước tính 8.5%/năm, một con số cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh như vậy, việc hiểu về các khía cạnh của năng lượng và thay đổi hành vi là điều quan trọng. Truyền thông là một phương thức hiệu quả và không thể thiếu.
Vị trí, vai trò, và tác động của truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách, trong nhận thức, hành vi, và trong việc tạo sự đồng thuận xã hội ngày càng được khẳng định. Truyền thông đã và đang được sử dụng như một công cụ tư tưởng và cầu nối thông tin, là diễn đàn để mọi cộng đồng nêu lên tiếng nói của mình, và là phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội.
Do đó, Chương trình Truyền thông do ETP/UNOPS phối hợp với Vụ Kinh tế Công nghiệp Dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thực hiện với mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực, giúp công chúng tiếp cận nhanh chóng các vấn đề phức tạp nhưng mang tính bức thiết của chuyển dịch năng lượng.
Mục tiêu chương trình hướng đến bao gồm: Thông tin cho công chúng về các khía cạnh khác nhau của chuyển dịch năng lượng; giúp người dân hiểu sâu sắc vai trò của họ trong quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như các hành động đóng góp mang tính thiết thực nhất; khuyến khích người dân chủ động tham gia các hoạt động liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng,…
Trong Chương trình này, tiếng nói của cộng đồng, bao gồm các nhóm bị ảnh hưởng đa chiều bởi quá trình chuyển dịch năng lượng và nhóm xuất hiện giới hạn trong các câu chuyện liên quan đến chuyển dịch năng lượng, sẽ được lắng nghe cũng như đề cao.
Quá trình tham vấn này là một trong những bước đầu tiên để hình thành nên một chiến lược truyền thông phù hợp với các chủ thể trong xã hội, đảm bảo được tính thiết thực và đem đến những thay đổi tích cực trong cộng đồng. Tôi hi vọng các đại biểu sẽ cùng nhau trao đổi và giúp chúng tôi xây dựng một chương trình truyền thông hiệu quả.
Ngay sau phát biểu của bà Nguyễn Ngọc Thủy - Điều phối viên quốc gia của ETP/UNOPS, Hội thảo diễn ra sôi nổi với việc trình bày tham luận của đại biểu và các phiên thảo luận. Trong đó, đáng chú ý là các tham luận: "Vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng" - TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; "Chuyển đổi năng lượng: Mảnh ghép quan trọng cho phát triển kinh tế xanh và bền vững" - TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia; "Cơ hội và thách thức trong chuyển dịch năng lượng" - Chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam,...
Phiên thảo luận mở xoay quanh chủ đề: "Tầm quan trọng của chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng" với sự tham gia chia sẻ của đại diện các cơ quan Trung ương, cơ quan báo chí, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đặc biệt thu hút sự quan tâm của các đại biểu, chuyên gia cùng các cơ quan báo chí, truyền thông.
Ngay tại hội thảo, Ban Tổ chức đã tiến hành hoạt động khảo sát lấy ý kiến trực tiếp các khách mời và đại biểu về những nội dung, chủ đề tiềm năng có thể triển khai liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng, qua đó đóng góp vào sự thành công trong giai đoạn triển khai chương trình về sau, nhằm đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và tính bền vững của hoạt động truyền thông.
Nguyễn HạnhKhảo sát hàng tuần mới nhất của Kitco News về giá vàng cho thấy các chuyên gia trong ngành có quan điểm cân bằng giữa xu hướng tăng và giảm. Phần lớn người tham gia giữ thái độ trung lập, trong khi tâm lý lạc quan của các nhà giao dịch bán lẻ không thay đổi so với tuần trước.