Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số

Diễn đàn
05:32 PM 05/11/2022

Để Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Đồng thời đạt mục tiêu kép là là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số - Ảnh 1.

Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia.

Với mục tiêu như trên nhiệm vụ trước mắt phải thực hiện đó là nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực CĐS. Trong đó, trước tiên cần chuyển đổi nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân; tiếp đến nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; ngoài ra cần xây dựng mạng lưới CĐS từ trung ương đến cơ sở, với đội ngũ nhân lực được tổ chức bài bản, đồng bộ, thường xuyên; Đồng thời đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức CĐS, kỹ năng số để trực tiếp triển khai công tác CĐS đến từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và hỗ trợ cung cấp dịch vụ công, dịch vụ xã hội trực tuyến tới từng người dân.

Thực trạng nhân lực công nghệ thông tin

Hiện tại Việt Nam có hơn 100 trường Đại học đào tạo CNTT, mỗi năm cung cấp 50.000 kỹ sư. Mức lương trung bình cho mỗi sinh viên mới ra trường là 9 -12 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, các ngành đều có sự thay đổi, đặc biệt là xu hướng CĐS và sự chênh lệch của các mức thu nhập ở nhóm ngành này là khá xa, còn tùy thuộc vào năng lực cá nhân. Nguồn nhân lực CNTT nước ta có tốc độ tăng trưởng cao, đến năm 2021, tổng số lao động làm việc trong ngành CNTT gần 1,1 triệu người, tăng bình quân 13,4%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Năm 2021, lao động CNTT chiếm tới gần 2% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước. Năng suất lao động của ngành CNTT đạt 13.872 USD/lao động cao gấp 2,7 lần so với năng suất lao động của cả nước năm 2021. Cơ cấu nguồn nhân lực CNTT Việt Nam cũng được hình thành theo các lĩnh vực phát triển, bao gồm các nhóm chính như: nhân lực công nghiệp phần cứng và điện tử; nhân lực công nghiệp phần mềm; nhân lực công nghiệp nội dung số và nhân lực dịch vụ CNTT. Về cơ cấu cụ thể như sau: (i) Lao động ngành công nghiệp phần cứng, điện tử năm đạt 842.000 người, chiếm 78% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp CNTT. Tốc độ tăng trưởng bình quân/năm giai đoạn 2011-2020 đạt 17,5%, trong đó lao động trình độ trung cấp hoặc phổ thông trung học chiếm đa số; (ii) Lao động ngành công nghiệp phần mềm và và dịch vụ CNTTlà 204.000 người, chiếm 19% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp CNTT, tốc độ tăng trưởng bình quân/năm giai đoạn 2011-2020 đạt 10,1%. Nhân lực làm phần mềm và dịch vụ CNTTchủ yếu có trình độ đại học và cao đẳng. (iii) Lao động ngành công nghiệp nội dung số hơn 57.000, chiếm 5,5% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp CNTT; So với năm 2011, lao động ngành công nghiệp nội dung số có xu hướng suy giảm với tốc độ tăng trưởng âm bình quân/năm giai đoạn 2011-2020 khoảng -5,4%. Trong đó năng lực và kỹ năng, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam lĩnh vực phần mềm được đánh giá khá cao trên bình diện quốc tế. Việt Nam xếp hạng 29 trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng kỹ năng lập trình viên của Skillvalue report năm 2018. Năm 2017, sinh viên Việt Nam xếp thứ 34/128 tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC).

Thách thức, tồn tại, hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực cho CĐS

Thứ nhất, chất lượng đào tạo về CNTT không đồng đều. Mặc dù số lượng cơ sở đào tạo CNTT nhiều nhưng chất lượng không đồng đều. Nhiều cơ sở đào tạo có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu xã hội.

Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số - Ảnh 2.

Phòng thực hành máy tính trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị

Thứ hai, các doanh nghiệp công nghệ số thường xuyên cạnh tranh gay gắt trong thu hút nguồn nhân lực bằng cách trả lương cao đẩy mặt bằng lương nhân lực về CNTT tăng cao. Điều này dẫn đến tình trạng lao động nhảy việc, doanh nghiệp thiếu người khi triển khai các dự án, làm giảm năng lực cạnh tranh của nhân lực CNTT Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Thứ ba, hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và hợp tác quốc tế còn ít. Ngoài một số trường đại học hàng đầu thì hoạt động nghiên cứu, giảng dậy trong trường đại học còn hạn chế, chưa gắn với thực tế, chưa có nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao. Hợp tác quốc tế của các trường về nghiên cứu và giảng dạy còn mang tính hình thức, ít hiệu quả. Hầu hết các trường còn thiếu vắng các nhà khoa học quốc tế.

Thứ tư, chưa thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đúng mức trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để tạo được nguồn nhân lực số trong CĐS chất lượng, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Việc phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại các địa phương. Điều này một mặt đến từ môi trường nhà nước chưa tạo được sự hấp dẫn thu hút đối với nguồn nhân lực số chất lượng cao. Mặt khác, nguồn thu nhập và chế độ đãi ngộ cho nhân lực tại các cơ quan nhà nước rất thấp so với các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân.

Mục tiêu nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2030

Hàng năm tổ chức được ít nhất 01 chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS và kỹ năng số quy mô toàn quốc, trải rộng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân; 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến, cơ bản nắm được cách thức sử dụng khi có nhu cầu; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng được Mạng lưới CĐS đến cấp xã đến 100% số xã, phường trên địa bàn với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình CĐS trong các ngành, các cấp; 100% cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước hàng năm được đào tạo ngắn hạn về CĐS và được đánh giá trực tuyến kết quả đào tạo qua Hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số Quốc gia; Tuyển sinh, đào tạo được 10.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số..;

Các giải pháp nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách: 

Nghiên cứu và xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách sớm để hỗ trợ, triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng CĐS cho đội ngũ làm CĐS trong cơ quan Nhà nước các cấp; lập kế hoạch đào tạo CĐS hàng năm của các bộ, ban, ngành, địa phương và tổ chức chính trị.

Nghiên cứu, xây dựng, ban hành sớm cơ chế ưu đãi, chế độ đặc thù nhằm thu hút các chuyên gia CĐS, công nghệ số giỏi làm việc cho các cơ quan Nhà nước; các giảng viên giỏi tham gia giảng dạy công nghệ số, kinh tế số, xã hội số tại các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề; nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng mức lương, phụ cấp đối với đội ngũ làm CĐS tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước; ưu tiên cử cán bộ chuyên trách tham gia các chương trình đào tạo CĐS, công nghệ số trong và ngoài nước; xây dựng quỹ phát triển, đổi mới sáng tạo nhằm tìm kiếm ý tưởng hay, táo bạo, giải pháp tốt trong cộng đồng xã hội hiện thực hóa ý tưởng.

Nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển nhân lực CĐS

 Xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động thông tin tuyên truyền về CĐS phải vừa bao quát, vừa cụ thể với lộ trình phù hợp, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên trước, tiến đến CĐS toàn diện, để toàn dân có thời gian hiểu biết, làm quen và thích ứng dần với quá trình CĐS Quốc gia ở Việt Nam.

Tổ chức đào tạo, tập huấn phải gắn với nhu cầu thực tiễn. Tăng cường hợp tác Quốc tế để trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu công nghệ số, kỹ năng số; khuyến khích các cơ sở đào tạo của Việt Nam xây dựng, triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi giảng viên, học viên với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về CĐS, công nghệ số, kỹ năng số có uy tín trên thế giới; tổ chức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đầu ngành về CĐS, công nghệ số, kỹ năng số đi khảo sát kinh nghiệm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực liên quan tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài. Khuyến khích, hỗ trợ các hình thức hợp tác giữa nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CĐS; xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp, viện nghiên cứu,…

Hình thành Mạng lưới CĐS Quốc gia, gồm: các thành viên của Tổ công tác CĐS của các bộ, tỉnh; trợ lý CĐS và chuyên viên dữ liệu số của các cơ quan, tổ chức và các nhân sự huy động từ lực lượng đoàn thanh niên, nhân sự của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thường trực tại địa bàn huyện, xã tham gia Mạng lưới. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số cử nhân sự tham gia Mạng lưới CĐS Quốc gia.

Nhóm giải pháp về cơ chế tài chính

Bố trí kinh phí để triển khai các chương trình, dự án đào tạo ngắn hạn về CĐS, công nghệ số, kỹ năng số trong và ngoài nước; xây dựng kế hoạch đào tạo lại, đào tạo thực hành trong nước và nước ngoài cho cán bộ chuyên trách tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bố trí kinh phí từ các chương trình học bổng khác để đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ chuyên trách về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số ở nước ngoài; ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực từ xã hội và các nguồn tài trợ Quốc tế để đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo trọng điểm về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số.

Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc phạm vi Đề án được giao cho các bộ, các cơ quan Trung ương chủ trì và các hoạt động chỉ đạo, điều hành triển khai Đề án. Địa phương có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc phạm vi Đề án được giao cho các địa phương chủ trì.

Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế bố trí kinh phí từ ngân sách của mình để đào tạo CĐS cho cán bộ thuộc cơ quan, đơn vị mình; đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quản lý và vận hành hạ tầng thiết yếu. Khuyến khích các cơ sở đào tạo đại học ưu tiên bố trí ngân sách từ nguồn tự chủ của mình để triển khai đào tạo, nghiên cứu phát triển về CĐS, công nghệ số, kinh tế số và xã hội số.

Kết luận

CĐS tại Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có. Thực tế triển khai trong thời gian vừa qua cho thấy, một trong những yếu tố để thúc đẩy CĐS chính là: Nhận thức; Thể chế; Hạ tầng số; Nền tảng số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/20022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo "Thúc đẩy CĐS xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thế giới để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và CĐS, hình thành văn hóa số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho CĐS để phát triển xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau".

Châu Nguyên
Ý kiến của bạn