Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành gốm sứ Việt
Ngành gốm sứ Việt Nam được dự báo sẽ còn nhiều cơ hội để tăng trưởng song doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và môi trường.
Theo Bộ Công Thương, sản xuất ngành gốm sứ mỹ nghệ có quy mô lên đến 5.400 làng nghề và trải rộng khắp cả nước. Trong số này, gần 2.000 là làng nghề truyền thống với 115 nghề đã được công nhận.
Bên cạnh đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trường nước, sản phẩm gốm sứ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), EU, Thái Lan…
Giai đoạn 2019-2023, xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam tăng trưởng bình quân 3,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất vào năm 2022 là 711 triệu USD, tuy nhiên đã giảm 13% trong năm 2023.
Trong 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam đã phục hồi trở lại và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Công Thương dự báo, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, cũng như sự đổi mới trong thiết kế và sản phẩm,... ngành gốm sứ Việt Nam sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gốm sứ và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất, đảm bảo chất lượng và độ bền của sản phẩm, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và môi trường.
Đa dạng hóa mẫu mã và sản phẩm, tạo ra nhiều mẫu mã và kiểu dáng phong phú để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của các thị trường khác nhau.
Tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm gốm sứ Việt Nam.
Không chỉ vậy, ngành gốm sứ cần chú trọng yếu tố văn hóa và bản sắc, trong đó kết hợp yếu tố văn hóa và bản sắc dân tộc vào sản phẩm để tạo ra giá trị đặc biệt và sự khác biệt trên thị trường quốc tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử, tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến và công nghệ số để tiếp cận thị trường và khách hàng quốc tế một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh vai trò của doanh nghiệp, các bộ, ngành phải có chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề nguyên liệu. Doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại. Việc thường xuyên tham gia các hội chợ trong và ngoài nước sẽ là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, nắm bắt được xu thế thị trường từ đó định hướng được sản xuất đúng và trúng.
Minh An (t/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.