Nâng cao văn hóa bán hàng, tiêu dùng thực phẩm mùa nắng nóng
Hà Nội những ngày nắng nóng, đồ ăn, thức uống rất dễ bị ôi thiu. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, điều quan trọng nhất là cả người tiêu dùng lẫn người bán hàng đều phải nâng cao ý thức, tránh để xảy ra những trường hợp ngộ độc đáng tiếc.
Nỗi lo từ ẩm thực đường phố
Hà Nội là kinh đô ngàn năm, bao nhiêu tinh hoa về ăn mặc, ẩm thực cũng đã hội tụ, chắt lọc ở đây. Có biết bao nhiêu món ngon làm nên “thương hiệu” Hà Nội nhưng bên cạnh đó còn khá nhiều hàng, quán vỉa hè tiềm ẩn nhiều nỗi lo canh cánh về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Chính những quán vỉa hè được nhiều người rất yêu thích ấy có khi lại chính là một thủ phạm "bỏ thuốc độc" dần dần cho cuộc sống của mỗi người Hà Nội.
Mùa nắng nóng các quán hàng cần phải nâng cao ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách hàng
Trong thời tiết mùa hè nóng nực như thế này, thức uống biến, truyền thống nhất đối với dân văn phòng, công sở, người lao động khắp Hà Nội vẫn là trà đá, nước vối, nhân trần. Nắng nóng đến mấy, người người ngại ra đường thì quán trà đá vẫn hút khách.
Bởi lẽ, dân văn phòng ăn trưa xong thể nào cũng tạt vào quán trà đá uống cốc nước, cắn hạt hướng dương, tán gẫu cho qua buổi trưa. Quanh các cơ quan, công sở, tận dụng các bóng cây, vỉa hè, quán trà đá vẫn bất chấp nắng nóng, thậm chí còn “vào hội”.
Lúc dịch bệnh Covid-19 đang “gay cấn”, người ta có phần e dè vì sợ lây nhiễm bệnh khi tập trung đông người, sợ cả những thứ đồ ăn, thức uống dùng chung cốc, chén nơi công cộng. Còn bây giờ, người ta lại ào ào đổ ra uống để chống nóng.
Trà đá vỉa hè, thức uống giải nhiệt mùa nắng nóng
Bây giờ đá lạnh được làm sạch sẽ hơn, được đóng gói đàng hoàng nhưng cũng thi thoảng vẫn có cảnh ông chủ quán mình trần trùng trục, mồ hôi mô kê nhễ nhại chạy chiếc xe tòng tọc chở hai tảng đá chảy nước tong tỏng được bọc trong chiếc bao tải xác rắn tả tơi đen kịt về, quăng uỵch xuống đất ngay trước mắt khách. Rồi trong khi ông chủ xoay trần đập đá bắn tung tóe ra, hồn nhiên nhặt bỏ vào thùng thì bà chủ xách những chiếc can cáu bẩn đổ nước òng ọc ra những chiếc ca đen kịt màu trà hay màu thời gian và bụi bẩn.
Công thức cốt trà, nước lã và đá thành trà đá đã được truyền tụng khắp Hà Nội. Ai cũng biết (hoặc nghi ngờ) nhưng ai cũng... uống. Người ta còn mặc nhiên chấp nhận rằng trà, nước vối, nhân trần được nấu thật đặc, sau đó tùy nhu cầu khách uống với đá hay uống nóng mà chủ quán gia giảm thêm. Nếu ai muốn uống loãng mà ít đá lạnh, chấp nhận việc chủ quán cho vào chút nước lọc, mà nước ấy được lọc hay nước giếng khoan, bẩn hay sạch, đun sôi hay không thì… chỉ chủ quán mới biết.
Bởi thế, có khá nhiều người bụng “nhạy cảm” thường gánh hậu quả sau khi ngồi la cà trà đá. Chị Hương Thu, nhân viên một cơ quan ở quận Hoàn Kiếm “nhớ đời” mấy hôm trước đi theo mọi người trong phòng ra ngồi quán trà. Chị cẩn thận uống nhân trần không đá, vậy mà về đau bụng đi ngoài cả buổi chiều không làm được việc. Từ đấy chị “cạch”, không dám lai vãng những quán hàng này nữa.
Thứ nước uống cũng phổ biến, bình dân và có thể mua mang về chính là nước ép hoa quả và nước mía. Trời nắng nóng như nung, dứa là thứ quả rất nhanh có mùi thiu nhưng người bán vẫn phơi người giữa nắng nóng để gọt, ép thành từng chai cho khách mua về uống. Chẳng cần phải thử cũng biết, chiếc máy ép để từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, ép bao nhiêu quả dứa mà không được rửa đi thì chắc chắn không thể nào đảm bảo được.
Trong khi đó nước mía được quay bởi những chiếc máy bên vỉa hè bụi bặm, che đậy qua loa bằng những chiếc khăn đen kịt, ruồi bâu nhằng nhẵng nhưng khách vẫn kéo đến kìn kìn. Tại nhiều con phố có lượng khách đông, số mía tiêu thụ ở đây mỗi ngày phải tính bằng mấy trăm cây, số lượng khách phải đến mấy trăm người, nhưng số lượng... ống hút có khi chỉ tính bằng trăm chiếc.
Bởi rất nhiều khách hàng phản ánh, khi khách vừa đứng dậy, người bán hàng cầm cốc rửa sơ qua, còn ống hút thì cắm ngay sang cốc khác để bê ngay cho khách đang chờ. Tương tự như vậy, những quán trà đá người bán có lẽ lười hoặc chủ quan, có khi khách trước vừa uống xong đổ vội nước thừa đi lại rót cho khách mới vào uống. Mà dù có rửa thì một chậu nước nhỏ xíu rửa bao nhiêu cái cốc, những cái cốc ấy chưa kịp úp khô lại mang ra uống luôn thì chắc chắn không thể nào đảm bảo vệ sinh được.
Những miếng chả được quạt sát với than bốc cháy đùng đùng, khó đảm bảo đồ ăn không bị cháy khét, độc hại
Thật bất công khi nói đến "ẩm" mà bỏ qua "thực". Cháo lòng, tiết canh xưa nay là món "đi đầu" trong danh sách "đen" của vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy vậy, bún đậu mắm tôm cũng là món ăn gắn liền với Hà Nội, đồng thời gắn liền với... sự bẩn không kém. Trong khi đó, trong các ngõ như như Phan Huy Chú, Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không thiếu những quán cơm bình dân, bún chả… bày bán ngay bên cạnh rãnh nước.
Bẩn không chỉ vì nguồn nguyên liệu được chế biến không đảm bảo, mà tại ngay cả cách bày bán, chỗ ngồi ăn cạnh cống rãnh, vỉa hè, bên đống rác thải hay ngay trên nắp hố ga... Có thể nói, ở Hà Nội, bước chân ra ngõ là gặp những quán ăn. Bún miến ngan, cháo trai, trứng vịt lộn, xôi, chè, sữa chua, sinh tố, nước chanh... Nếu không giữ gìn vệ sinh thì mùa nắng nóng này, đồ ăn thức uống càng tiềm ẩn nhiều vi khuẩn gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí ngộ độc thực phẩm.
Cần cả ý thức từ người bán lẫn người mua
Vẫn biết, đô thị đông đúc, việc hàng quán tràn lan dẫn đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm là điều không thể tránh khỏi với bất kì thành phố lớn nào, nhất là một nơi trung tâm như Hà Nội. Song, dân chỉ biết kêu vẫn kêu, ăn vẫn ăn, vì không ăn uống thì chỉ có nước quay về thời bao cấp, kè kè cặp lồng cơm và bi đông nước.
Mà ngay cả đồ ăn mình tự tay chuẩn bị nhưng dưới trời nắng như thế này để từ sáng đến trưa chắc gì còn ăn được, nên việc “cơm hàng, cháo chợ” là điều đương nhiên với những người đi làm qua trưa. Để đảm bảo vệ sinh, an toàn cho mình và cho mọi người thì lẽ ra trước hết bản thân mỗi người tiêu dùng, các thực khách đều phải có thái độ cương quyết.
Đó là kiên quyết “tẩy chay” những hàng, quán mà bằng cảm quan đã thấy mất vệ sinh khi được chế biến, bày bán trong những quán hàng lụp xụp, cạnh cống rãnh, đồ đựng cũ kĩ bẩn thỉu. Trong khi đó, đa phần các hàng quán bình dân, rẻ tiền đều tận dụng mọi không gian để bán hàng mà khách vẫn chen chân vào.
Trở lại trường hợp của chị Hương Thu, biết chuyện của chị, bạn bè, đồng nghiệp còn trêu rằng “tại bình thường ăn uống sạch quá nên cơ thể không có “kháng thể” với đồ uống bẩn”. Cách nói như vậy là vui, là tếu táo nhưng cũng bộc lộ thái độ “sống chung với lũ”, như vậy cũng là cách mặc nhiên chấp nhận, dung túng cho người bán hàng muốn làm gì thì làm.
Đồ ăn bày xuống đất mà khách hàng vẫn xúm vào mua
Một người bạn định cư, mở cửa hàng ăn lâu năm bên Đức có lần chia sẻ, nếu chẳng may hôm nào bị nhà chức trách bắt gặp thực phẩm bị nhiễm khuẩn thì bạn lại rất mừng, vì số tiền phạt không đáng là bao so với số tiền được đền bù vì tiêu hủy toàn bộ thực phẩm mà ngày hôm ấy lại không mất công bán hàng.
“Mừng” ấy là cái mừng rất ngắn và thiếu suy nghĩ nên bạn cũng kể thành thật rằng không dám để tình trạng này xảy ra nhiều, vì như thế cửa hàng sẽ bị đóng cửa, hết đường làm ăn buôn bán.
Như vậy, người bán hàng ở đó buộc phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của nhà chức trách, đồng thời rất sòng phẳng và có trách nhiệm với cái dạ dầy của người tiêu dùng.
Còn ở Hà Nội, mùa nắng nóng như thế này, trong khi chờ ý thức của người bán hàng được nâng cao, chờ các cơ quan chức năng sâu sát hơn nữa với các hàng quán ẩm thực thì tốt nhất, khách hàng hãy tự bảo vệ mình trước.
Ngọc HânKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.