Nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ tại các chung cư, nhà cao tầng

Xã hội
10:30 PM 16/07/2020

Thời gian gần đây, phòng chống cháy nổ tại các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Trong đó, để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân là vô cùng cần thiết.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có hàng nghìn chung cư, nhà cao tầng. Mỗi năm tại đây có đến hàng chục, hàng trăm vụ cháy lớn, nhỏ xảy ra. Chung cư, nhà cao tầng lại là những nơi tập trung đông người, có khối lượng chất cháy lớn là vật liệu dễ cháy, có nguy cơ cháy, nổ cao. Khi xảy ra cháy, nổ vận tốc cháy lan nhanh, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của nhân dân và ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự.

Thượng tá Bùi Đăng Tuấn, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, đối với các tòa nhà chung cư, nguyên nhân cháy chủ yếu là cháy điện. Đang là mùa hè nắng nóng, vấn đề tiêu thụ điện của người dân tăng lên. Chính vì vậy vấn đề xảy ra sự cố cháy nổ, xảy ra chập điện tăng lên.

Quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho người dân tại các chung cư, nhà cao tầng

Nhận xét về công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư, nhà cao tầng hiện nay, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, công tác phòng chống cháy nổ đã được người dân ý thức hơn nhờ công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, liên tục.

Đặc biệt, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Công an thành phố Hà Nội về việc phòng ngừa cháy nổ, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý cơ sở tồn tại an toàn phòng cháy chữa cháy, công an quận Bắc Từ Liêm đang triển khai một cách nghiêm túc. Trước mắt  đơn vị đã tổ chức tuyên truyền nhằm mục đích nâng cao kỹ năng, ý thức đảm bảo an toàn phòng cháy cho người dân để chủ động phòng ngừa các nguy cơ có thể dẫn đến cháy, nổ; qua đó, phát huy tối đa trách nhiệm quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy tại cơ sở.

Tại các buổi tập huấn, cán bộ phòng cháy chữa cháy đều đưa ra khuyến cáo người dân sống tại các chung cư, nhà cao tầng trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong đó nhấn mạnh, người dân không nên dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong phòng; không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn; không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng.

Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng nhấn mạnh, nếu như ý thức người dân chưa cao thì sinh sống ở bất cứ tòa nhà nào dù đầy đủ an toàn phòng cháy chữa cháy cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy. Vì thế ý thức tự mình nâng cao trách nhiệm với nhiệm vụ an toàn phòng cháy chữa cháy phải thường trực.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình, cơ quan, doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, mỗi người phải biết sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ để khi phát hiện đám cháy nhỏ biết dập tắt, ngăn cháy thành ngọn lửa lớn.

“Chúng tôi rất mong mọi người dân cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy, chủ động tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và thoát nạn. Lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ cần phát huy vai trò trong áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cũng như kịp thời phát hiện, triển khai chữa cháy, thoát nạn ngay từ cơ sở”, Thường tá Bùi Đăng Tuấn nhấn mạnh.

Trước đó, thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020”. Qua đó, các đơn vị đã kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn 7.759 lượt cơ sở chung cư, nhà cao tầng; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 277 trường hợp…

Đặc biệt, công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên, đột xuất, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy được đặc biệt coi trọng. Qua công tác kiểm tra, đã lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 19.184 tổ chức, cá nhân vi phạm, với số tiền hơn 65 tỷ đồng; ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với 1.838 cơ sở; đình chỉ hoạt động 1.096 cơ sở…

K. Tiến
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.