Nâng giá trị cho sản phẩm OCOP

Cộng tác viên
10:02 AM 05/06/2020

Sau khi được thành phố Hà Nội công nhận, cấp sao, việc tiêu thụ 301 sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở nên thuận lợi hơn. Mục tiêu của Hà Nội đến hết năm 2020 sẽ cấp sao cho 1.000 sản phẩm OCOP, cùng với đó có các giải pháp hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thêm thu nhập...

Nhiều sản phẩm OCOP của phường Trung Hưng (thị xã Sơn Tây) được giới thiệu tới khách hàng.

Nhiều lợi thế

Cuối năm 2019, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì) đã có 7 sản phẩm tham gia và được phân hạng 3 sao trong OCOP, đó là: Đậu phụ, súp lơ, su hào, rau muống, cà chua, bắp cải và giá đỗ mang thương hiệu “An Phát”.

“Chứng nhận sản phẩm OCOP đã giúp hợp tác xã khẳng định chất lượng sản phẩm để bạn hàng tin tưởng đặt hàng những hợp đồng lớn. Qua đó đã ký được hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (thành viên của Tập đoàn Vingroup) để tiêu thụ sản phẩm, nâng công suất sản xuất giá đỗ lên 2 tấn/ngày...”, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát Trần Xuân Hòa chia sẻ.

Tương tự, cuối năm 2019, sản phẩm “Trà Bắc Sơn” của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Giám đốc Hợp tác xã Đào Thị Quý cho biết: Tham gia OCOP, hợp tác xã được huyện Sóc Sơn hỗ trợ sản xuất theo quy trình an toàn, VietGAP, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng. Từ khi được cấp sao, sản phẩm “Trà Bắc Sơn” đã có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.

Về những lợi thế khi tham gia OCOP, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh, các chủ thể tham gia chương trình được thành phố tư vấn để “chuẩn hóa” sản phẩm về hình thức, chất lượng, hồ sơ chứng minh nguồn gốc… Sản phẩm sau khi được công nhận, thành phố tiếp tục hỗ trợ việc thiết kế bao bì, nhãn mác để người tiêu dùng dễ nhận diện; giúp chủ thể tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm…

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, do sản phẩm được sản xuất với quy mô nhỏ, lẻ; tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng khoa học công nghệ thấp nên giá trị khi đưa ra thị trường chưa cao. Mặt khác, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu và người tiêu dùng vẫn khó nhận diện sản phẩm OCOP... Vì vậy, để các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP phát triển mạnh mẽ hơn, vẫn còn nhiều thách thức. 

Đa dạng giải pháp

Với việc chú trọng phát triển sản phẩm, thời gian qua, OCOP đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân. Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Núi Bé (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà cho biết, thấy rõ hiệu quả, hợp tác xã đã đăng ký tham gia OCOP của Hà Nội năm 2020. Ngay sau khi được tập huấn, hợp tác xã đã củng cố lại sản xuất, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý và chứng nhận cho sản phẩm…

Tiếp tục khắc phục những vấn đề đang đặt ra, từng bước nâng cao chất lượng giá trị các sản phẩm tham gia OCOP, nhiều giải pháp đã và đang được các cơ quan chức năng triển khai. Trong đó, nhiều quận, huyện, thị xã đã chú trọng tìm giải pháp thích hợp. Như huyện Đông Anh, bên cạnh 20 sản phẩm đã được cấp 3 và 4 sao trong năm 2019, hiện huyện đã khảo sát 233 sản phẩm của 84 chủ thể sản xuất có tiềm năng tham gia OCOP, từ đó chọn ra 40 sản phẩm để tập trung phát triển trong năm 2020.

“Huyện Đông Anh đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, trong đó chú trọng tư vấn, tiếp cận nguồn vốn vay cho các chủ thể cải thiện quy trình sản xuất cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết.

Còn với huyện Đan Phượng, năm 2020 cũng phấn đấu có 107 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết: Huyện đã và đang tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chương trình này; cụ thể về các nội dung: Sản phẩm nào được tham gia OCOP; lợi ích của chủ thể khi tham gia chương trình; những thủ tục cần thiết để đăng ký tham gia...

Về phía Sở NN&PTNT Hà Nội, trong năm 2020 sẽ tổ chức 141 lớp tập huấn cho khoảng 8.460 học viên là cán bộ điều hành OCOP các cấp và các nhà quản lý, tổ chức kinh tế, hộ sản xuất...; đồng thời mở các hội chợ quảng bá sản phẩm gắn với văn hóa vùng, miền tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ). Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ xây dựng một số điểm giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn tại một số xã, phường...

Với sự hỗ trợ của thành phố cũng như sự vào cuộc tích cực của các địa phương, các chủ thể tham gia chương trình, những khó khăn đã, đang dần được tháo gỡ và mục tiêu có 1.000 sản phẩm OCOP đến năm 2020 của thành phố là khả quan.

Ý kiến của bạn
VSMCamp & CSMOSummit 2024 khởi động với gần 40 bài tham luận trong ngày đầu tiên VSMCamp & CSMOSummit 2024 khởi động với gần 40 bài tham luận trong ngày đầu tiên

Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.