Nâng hạng thị trường chứng khoán giúp Việt Nam thu hút thêm 25 tỷ USD
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), trong trường hợp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được nâng lên thị trường mới nổi sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế cho tới năm 2030.
Đây là một trong những thông tin quan trọng được các đại biểu quốc tế đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam” do Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Với những nỗ lực đổi mới, hoàn thiện khung khổ chính sách, trải qua hơn hai thập kỷ hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã chứng tỏ được sức hút, tính hiệu quả, trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới.
Năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt hơn 418 nghìn tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022. Tính đến hết tháng 3/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.284 điểm, tăng 13,6% so với cuối năm 2023, vốn hóa của thị trường có phiều đạt 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 13,9%, tương đương với 60,2% GDP ước tính của năm 2023.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các TTCK của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng. Do đó, việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thu hút vốn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu TTCK Việt Nam được nâng lên thị trường mới nổi sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế cho tới năm 2030.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết, việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường, góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Hiện Việt Nam được 2 tổ chức quốc tế MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên. Nâng hạng TTCK luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành để đáp ứng quy định tiêu chí nâng hạng TTCK. Mục tiêu nâng hạng TTCK cũng được đề cập tại các công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững và tại các nghị quyết điều hành của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả.
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, việc nâng hạng sẽ đẩy mạnh vị thế TTCK Việt Nam, đảm bảo tiếp cận vốn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút được 25 tỷ USD vào năm 2030 theo dự báo, thì cần phải đảm bảo một số điều kiện trong đó bao gồm việc nâng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như thỏa mãn các tiêu chí khác mà hai tổ chức đánh giá xếp hạng đưa ra.
Theo Quyết định 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập, với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Trong đó, có mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.