Nắng nóng cao điểm, có nên bật điều hoà nhiệt độ thấp, hé cửa cho thoáng?
Nhiều người đến nay vẫn mắc lỗi “sơ đẳng” khi sử dụng điều hoà, khiến nó không chỉ hoạt động kém hiệu quả, mà còn dễ bị hỏng hóc, hoặc tốn điện hơn rất nhiều so với bình thường.
Khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đang bước vào đợt nóng dài ngày thứ 2 tính từ đầu tháng 6, với nền nhiệt tại một số khu vực lên tới 37-38 độ C. Tại các thành phố lớn, nơi có nhiều xe cộ lưu hành và toà nhà chung cư, “hiệu ứng đô thị” còn khiến nhiệt độ tăng vượt ngưỡng 40, thậm chí 42 độ C tại một số thời điểm trong ngày.
Cùng với đó là nhu cầu sử dụng điều hoà tăng vọt. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng thiết bị này sao cho hiệu quả, tiết kiệm điện.
Theo khảo sát nhanh từ phóng viên Dân trí, có rất nhiều người dùng tại các hộ gia đình, văn phòng, vẫn mắc lỗi “sơ đẳng” khi sử dụng điều hoà, khiến nó không chỉ hoạt động kém hiệu quả, mà còn dễ bị hỏng hóc, hoặc tốn điện hơn rất nhiều so với bình thường.
Sai: Trời càng nóng, chỉnh nhiệt độ càng thấp
Một lý thuyết nghe hoàn toàn hợp lý đó là trời càng nóng thì càng cần chỉnh nhiệt độ xuống thấp để cân bằng, và thực tế vẫn được nhiều người áp dụng - nhưng lại là một phương pháp hoàn toàn sai lầm.
Theo ông Hồng, một thợ sửa điều hoà lâu năm tại Hà Nội, trời càng nóng, điều hoà càng dễ hỏng chính vì thói quen để nhiệt độ xuống “kịch sàn” 16 độ tại các hộ gia đình, văn phòng.
Thực tế, sự điều chỉnh này không làm điều hoà mát nhanh hơn, vì công suất làm lạnh của máy có giới hạn, nên máy cần thời gian để kéo nhiệt từ từ thì mới có thể làm lạnh cho phòng được.
Do vậy trong những ngày nắng nóng, việc bạn chọn nhiệt độ 25 độ hay 16 độ cũng không thể thay đổi nhanh được nhiệt độ trong phòng ngược lại còn làm máy bị quá tải tốn nhiều điện và mất nhiều thời gian làm mát hơn.
Đúng: Trời càng nóng, càng phải tăng nhiệt độ phòng để không tạo ra chênh lệch quá lớn.
Trong những ngày nắng nóng cao điểm lên tới 40 độ C, việc để nhiệt độ phù hợp (27~28 độ), thậm chí là 30 độ C để máy có thời gian nghỉ, không bị chạy liên tục là một việc làm vô cùng cần thiết, đặc biệt là khi mới khởi động điều hoà.
Sau đó, nếu có nhu cầu làm mát thêm, người dùng có thể hạ nhiệt xuống từ từ, nhưng không nên thấp hơn 27 độ C.
Điều này giúp điều hòa hoạt động nhanh hơn mà không cần tốn quá nhiều thời gian, và cũng giúp nó tránh bị hỏng hóc do hoạt động quá tải.
Sai: Một năm mới vệ sinh tấm lọc, thay gas một lần
Vệ sinh lưới lọc bụi dàn indoor (trong nhà) và dàn trao đổi nhiệt (ngoài trời) là điều thường xuyên bị các hộ gia đình bỏ quên, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ, vốn thường xuyên bận rộn và không có thời gian để quán xuyến hết công việc nhà.
Theo kinh nghiệm được đưa ra từ một số thợ điều hoà, một hộ gia đình bình thường cần vệ sinh định kỳ dàn lưới lọc bụi 1 tháng/lần, và vệ sinh dàn nóng 1 năm/lần.
Sai: Mở cửa sổ khi chạy điều hoà để thoáng khí
Dù không phổ biến, nhưng một số hộ gia đình có thói quen kỳ lạ đó là mở cửa sổ, hoặc hé khoảng vài cm khi bật điều hoà với lý do để không khí lưu thông, và cho phòng đỡ bị bí.
Tuy nhiên đây là một quan niệm hết sức sai lầm, vì sẽ khiến điều hoà hoạt động tốn nhiều công sức hơn để làm mát, dẫn tới tốn điện hơn và nhanh bị quá tải hơn.
Sai: Để quạt gió tự động
Lưu thông gió trong phòng là yếu tố hết sức quan trọng khi sử dụng điều hoà. Trong khi đó, chế độ quạt gió lại được ít người để ý tới, và chỉ thường đặt ở chế độ Auto (tự động). Điều này khiến điều hoà thường bị chuyển về chế các chế độ đẩy quạt gió ở mức thấp, hay thậm chí ngừng hẳn, khiến nhiệt độ phòng xuống thấp.
Thay vào đó, chúng ta nên đặt quạt gió ở mức cao, và bật thêm quạt trần, quạt điện để tăng lưu thông gió, sẽ giúp tiết kiệm điện cho điều hoà, lại làm mát hiệu quả hơn đáng kể.
Nguyễn NguyễnBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.