Nâng tầm du lịch Xứ Lạng
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn là vùng đất "địa linh nhân kiệt" sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, một vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, là cửa ngõ giao thương thuận lợi với nước bạn Trung Quốc… Đây chính là nền tảng vững chắc để du lịch Lạng Sơn có thể "cất cánh" và vươn xa.
Lạng Sơn – "Viên ngọc xanh" vùng Đông Bắc
Gần một thập niên trở lại đây, Lạng Sơn được coi là địa phương có sức bật mạnh mẽ. Với một hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng miền, tạo động lực, điểm nhấn, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các khu vực phát triển kinh tế, các đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn như quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế chạy qua làm tiền đề và động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Lạng Sơn là địa phương sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa, lịch sử như động Tam- Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, núi Tô Thị, Chùa Tiên, khu du lịch nghỉ mát Mẫu Sơn… Đồng thời, là nơi hội tụ nhiều dân tộc cùng chung sống với những phong tục tập quán độc đáo gắn với các lễ hội, chợ phiên, với các làn điệu dân ca, hát Then, hát Sli, hát Lượn độc đáo làm say đắm lòng người.
Ngoài ra, Xứ Lạng còn có những nét văn hoá ẩm thực đặc sắc mang đậm phong vị riêng như: vịt quay, lợn quay, khau nhục, bánh phồng, măng ớt, khẩu Shi. Mảnh đất địa đầu Lạng Sơn còn nức tiếng, đa dạng các sản vật, hoa quả như: mơ, lê Tràng Định, mận Bình Gia, quýt Bắc Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn...
Sở hữu những tiềm năng, thế mạnh riêng có; Lạng Sơn có một nền tảng vững chắc để phát triển lĩnh vực du lịch. Đặc biệt từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện đường lối chính sách đổi mới và hội nhập, các hệ thống trung tâm thương mại, các khu kinh tế cửa khẩu và chợ biên giới tại Lạng Sơn được xây dựng và nâng cấp, cùng với các thủ tục hành chính được cải cách thuận tiện nên việc giao lưu buôn bán và tham quan du lịch ngày càng diễn ra sôi động, từng bước đưa Lạng Sơn trở thành một trong những trung tâm giao lưu buôn bán, tham quan quan du lịch với các loại hình như: du lịch mua sắm, du lịch tâm linh, du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch biên giới và sang nước bạn Trung Quốc.
Nâng tầm du lịch Xứ Lạng
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Lạng Sơn đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả đáng khích lệ. Diện mạo thành phố Lạng Sơn, các khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch và các thị trấn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Do những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nên tiềm năng, thế mạnh chính của Lạng Sơn là phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và kinh tế cửa khẩu.
Du lịch đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Lạng Sơn, với các loại hình như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch mua sắm, du lịch cửa khẩu hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Lạng Sơn đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới và đưa vào khai thác có hiệu quả như: sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch lễ hội; văn hóa cảnh quan; du lịch biên giới, du lịch cộng đồng tại Hữu Lũng, Bắc Sơn…
Cùng với đó là sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, công ty du lịch, hội viên và cán bộ, người lao động trực tiếp trong ngành du lịch đã nhạy bén, chủ động đầu tư, khai thác hiệu quả một số sản phẩm lưu niệm được phát triển từ các đặc sản của tỉnh như: sản phẩm từ hoa hồi và chế phẩm từ hoa hồi, na Chi Lăng, hồng không hạt Bảo Lâm, hồng vành khuyên Văn Lãng; thạch đen Tràng Định, quýt vàng Bắc Sơn, ba kích Đình Lập…
Xác định du lịch biên giới là một thế mạnh của du lịch Lạng Sơn, do đó cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh đã thường xuyên trao đổi để hợp tác với Cục Du lịch Quảng Tây - Trung Quốc ký các biên bản thỏa thuận, bản ghi nhớ giữa hai bên để tạo điều kiện thuận cho các doanh nghiệp lữ hành của hai bên hợp tác trao đổi khách với nhau, phối hợp về xúc tiến quảng bá để khai thác nguồn khách mở rộng thị trường, mặt khác trao đổi và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Phát huy tiềm năng, lợi thế cùng với sự nỗ lực của các ngành, đặc biệt là bằng năng động sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch, tin tưởng Lạng Sơn sẽ không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra hệ thống du lịch hấp dẫn thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế trong tương lai.
Hà GáiKinh tế số Việt Nam tăng trưởng hai con số, thúc đẩy chủ yếu nhờ thương mại điện tử, du lịch trực tuyến với tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 16% và 36 tỷ USD năm 2024…