Nâng tầm giá trị văn hóa trà Thái Nguyên

Tiếp thị số
10:20 AM 24/11/2022

Thái Nguyên được biết đến là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cây chè, với truyền thống kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè qua nhiều năm, cùng thổ nhưỡng phù hợp là điều kiện lý tưởng để Thái Nguyên mở rộng diện tích cây chè. Những cái tên như chè Tân Cương, chè Khe Cốc, chè La Bằng, chè Trại Cài từ lâu đã trở thành thương hiệu và gần gũi với những người đam mê trà từ nhiều năm nay.

Nhắc đến trà Việt người ta nghĩ ngay đến trà Thái Nguyên với vị thơm ngon, đặc trưng riêng biệt. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cây chè được trồng ở khắp các huyện, thị. Cây chè gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Thái Nguyên, ngoài việc đem lại giá trị kinh tế to lớn cây chè còn mang những nét văn hóa truyền thống và tiềm năng phát triển du lịch cho người dân địa phương.

Nâng tầm giá trị văn hóa trà Thái Nguyên   - Ảnh 1.

Vùng chè Tân Cương TP Thái Nguyên

Từ lâu Thái Nguyên được mệnh danh là miền quê "Đệ nhất danh trà". Trà xứ Thái đã đi vào thơ ca, nhạc, họa với màu sắc và thanh âm hòa quyện tạo nên giai điệu đầy hoài cảm. Trà Thái Nguyên thơm ngon không chỉ chắt lọc tinh túy của một vùng đất đắc địa dưới sườn non Tam Đảo bên dòng sông Cầu, sông Công và mặt nước hồ xanh huyền thoại Núi Cốc, mà còn bởi sự cẩn thận, tỉ mỉ, tinh tế của người làm chè trong tất cả các khâu: Chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến.

Để nâng tầm giá trị văn hóa và thương hiệu trà Thái Nguyên, trong những năm qua Chi Cục phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn qui trình trồng, chăm sóc, chế biến các sản phẩm chè theo hướng hữu cơ, an toàn cho các đơn vị kinh doanh, sản xuất, chế biến các sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thông qua các buổi tập huấn tư duy, nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Giờ đây, người ta không chỉ nói đến việc làm ra sản phẩm chè ngon, mà còn nhắc nhau phải làm chè sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đậm đà hương vị truyền thống. Đó còn là việc doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và nước ngoài gặp gỡ, trao đổi và ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế. Trên thực tế trong những năm qua nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến các vùng chè Thái Nguyên để khảo sát, cam kết đầu tư cho nông dân sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư cây giống, phân bón, chế biến và bao tiêu sản phẩm chè qua kênh các siêu thị bán chè an toàn.

Ông Triệu Văn Cương, Chi Cục trưởng Chi Cục phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: " Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái nguyên có 52 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 230 làng nghề, sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chè, các đơn vị doanh nghiệp này đang giữ vai trò chủ đạo trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Thái Nguyên.

Với diện tích chè như hiện nay tổng sản lượng chè của Thái Nguyên đạt 252.502 tấn với giá trị gần 6000 tỷ đồng, trung bình 1ha chè đạt 270 triệu đồng, tuy nhiên để thương hiệu chè Thái Nguyên phát triển bền vững thì nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các thương hiệu cho các sản phẩm chè chủ lực, tìm kiếm thị trường, xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm đồng tời tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như Festival trà, hội trợ triển lãm, các lễ hội quảng bá…"

Nhằm phát huy lợi  thế của các vùng chè đặc sản có tiềm năng phát triển du lịch, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như: Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ), Điềm Mặc (Định Hóa), Tức Tranh,Vô Tranh, Phú Đô (Phú Lương), thời gian qua UBND tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, chỉ đạo các địa phương phát triển du lịch các làng nghề chè: Chỉnh trang, chăm sóc vườn chè theo tiêu chuẩn sản xuất chè an toàn; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường dẫn vào vùng chè, tổ chức các lớp tập huấn du lịch cộng đồng, các làn điệu hát then, sli, lượn; đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, nguồn lợi từ du lịch làng nghề đem lại.

Các hoạt động trên được người dân các vùng chè nhiệt tình hưởng ứng bằng việc tích cực tham gia các lớp hướng dẫn trồng, sản xuất chè an toàn để có những sản phẩm chất lượng cao. Mô hình xây dựng làng nghề du lịch cộng đồng được triển khai từ cuối năm 2012 tại 4 xã thuộc Vùng chè đặc sản Tân Cương ( thành phố Thaí Nguyên), trọng tâm là các xóm: Hồng Thái 2, xã Tân Cương; Khuôn 1và Khuôn 2, xã Phúc Trìu và xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng. Tham gia vào dự án, các hộ dân được tập huấn về kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng marketing du lịch, kỹ năng áp dụng dịch vụ lưu trú tại gia như: Cách đón tiếp khách, cách sắp xếp chỗ ở, lên thực đơn, sơ chế bữa ăn. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức khảo sát, xây dựng các tour du lịch sinh thái, du lịch về nguồn gắn với các điểm đến là vùng chè đặc sản của tỉnh như: Không gian Văn hoá Trà Tân Cương (thăm làng chè Tân Cương) - hồ Núi Cốc (đi du thuyền trên hồ Núi Cốc). Không gian Văn hoá Trà La Bằng (thăm làng chè La Bằng) - hồ Núi Cốc (đi du thuyền trên Hồ Núi Cốc) - Không gian Văn hoá Trà Tân Cương (thăm làng chè Tân Cương) - Các điểm di tích thuộc ATK Định Hoá (Nhà trưng bày ATK, di tích nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đồi Tỉn Keo; Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Di tích Khuôn Tát...)

Nâng tầm giá trị văn hóa trà Thái Nguyên   - Ảnh 3.

Không gian văn hóa trà Tân Cương

Để  lưu giữ và tôn vinh những giá trị văn hóa chè, năm 2011 UBND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, Không gian văn hóa Trà Tân Cương trên diện tích gần 27.000 m2 tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Không gian Văn hoá Trà Tân Cương được ví như Bảo tàng lịch sử về cây chè Thái Nguyên, là công trình văn hóa, có kiến trúc độc đáo với một không gian mở. Nhà trưng bày là hạng mục chính của Không gian văn hóa Trà. Công trình được thiết kế với công năng hội tụ ba không gian kiến trúc chính: Không gian đón tiếp; không gian trưng bày hiện vật và không gian giới thiệu văn hóa chè và sản phẩm trà. Nhà trưng bày đóng vai trò như một bảo tàng thu nhỏ khắc hoạ câu chuyện trọn vẹn về lịch sử của cây chè Thái Nguyên. Hiện tại Không gian văn hóa trà Tân Cương đây đang lưu giữ và trưng bày nhiều nhóm các tài liệu và hiện vật nhằm giới thiệu lịch sử và sự phát triển của chè, nét văn hóa chè độc đáo.Trong số đó có nhiều nhóm tài liệu, hiện vật quý như: Nhóm tài liệu và hiện vật về trồng, chăm sóc, chế biến chè; nhóm hiện vật ấm trà cổ...

Thông qua những tài liệu, hiện vật và nội dung trưng bày, du khách sẽ cảm nhận được sự độc đáo của điều kiện tự nhiên cho cây chè phát triển, thấy được những giá trị lịch sử, văn hóa của chè. Đặc biệt nơi đây có bộ ấm trà dán gốm sứ đã được công nhận  kỷ lục Việt Nam.Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm Không gian văn hóa Trà đón hàng ngàn lượt khách đến thăm quan, tìm hiểu về chè và văn hóa chè Thái Nguyên.

Quang Hưng
Ý kiến của bạn