Nâng tầm “quốc bảo” sâm Ngọc Linh hướng tới “quốc kế dân sinh”
“Sâm Ngọc Linh không chỉ là quốc bảo mà còn là quốc kế dân sinh. Sâm Ngọc Linh không chỉ trưng bày trong tủ kính mà phải chế biến sản xuất, giải quyết nhiều việc làm, giải quyết vấn đề an sinh xã hội và đóng góp thực sự đây là một thương hiệu quốc gia.”
Đó là phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội thảo "Nâng tầm thương hiệu sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia", do UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Kon Tum và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức ngày 6/8 vừa qua tại TP. Tam Kỳ.
Hội thảo đã phân tích, đánh giá toàn diện về cơ chế, chính sách và thực trạng quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh hiện nay. Từ đó tìm ra các giải pháp thúc đẩy mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh, tạo động lực hiện thực hóa "Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam", đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu quốc gia.
"Tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam đã làm được nhiều việc, đã giữ gìn, phát huy cây sâm Ngọc Linh. Hôm nay chúng ta không chỉ nói về cơ chế chính sách tạo động lực phát triển sâm Ngọc Linh mà còn nhắc nhở tìm tòi những biện pháp tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển cây quốc kế dân sinh này, đem lại hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu, thực phẩm chức năng, cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, và cả Trung Quốc, các nước trên cũng có một sản lượng sâm rất lớn và họ đã chế biến sản xuất ra hàng trăm sản phẩm từ sâm", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, để làm "quốc kế dân sinh" thì phải có sản lượng lớn chứ không phải nhỏ giọt, việc này đang được Quảng Nam, Kon Tum quan tâm. Nhiều nước trên thế giới cũng có sâm và họ chế biến ra những hàng trăm sản phẩm từ sâm. So với các nước, quy mô sản lượng sâm Ngọc Linh của nước ta còn khiêm tốn, chất lượng phải cải thiện hơn, thị trường giá cả cũng còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm giải quyết.
Vì vậy, Chủ tịch nước cho rằng các vấn đề lớn đang đặt ra hiện nay của sâm Ngọc Linh là thay đổi thời tiết, khí hậu làm sâm chết, sâm giả Ngọc Linh, khoa học công nghệ vẫn còn hạn chế, nhất là bảo tồn nguồn giống. Những bước tiến hiện nay mới chỉ là bước đầu, chưa phải là một thương hiệu quốc gia hùng mạnh. Chủ tịch nước cho rằng với tiềm năng, sản phẩm và giá trị sâm Ngọc Linh rất lớn, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp sâm và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam với mục tiêu tỉ đô la.
Chủ tịch nước yêu cầu không chỉ Kon Tum, Quảng Nam mà còn nhiều nỗ lực, tâm huyết trong triển khai chiến lược, có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ, bộ ngành trong việc đưa sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia.
Cùng với các đề nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra yêu cầu một số việc như vừa bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó ưu tiên chất lượng. Theo đó, các nhà sản xuất và cơ quan nghiên cứu cần học hỏi cách làm của Hàn Quốc, đại chúng hóa sản phẩm, đưa phân khúc từ thấp tới cao, hướng ra toàn cầu. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ dược liệu cho sâm Ngọc Linh cạnh tranh với các loại sâm tốt trên thế giới, kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển sâm Ngọc Linh, đầu tư nghiên cứu sản xuất chế biến nhân sâm, tạo nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm từ sâm.
Phùng SơnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.