Nem Phùng – món ăn dân dã của Hà Nội
Thị trấn Phùng huyện Đan Phượng – trước đây được gọi là Kẻ Phùng được thành lập năm 1994, với 4 làng là Đại Phùng, Đông Khê, Đoài Khê và Phượng Trì thị trấn Phùng hiện nay thuộc huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Nơi đây từ lâu đã là địa danh nổi tiếng với rất nhiều món ăn dân dã, tuy nhiên được biết đến nhiều hơn cả vẫn là món ăn đặc trưng, gắn liền với tên gọi của vùng đất này, đó là Nem Phùng.
Thị trấn Phùng nằm ngay trên quốc lộ 32. Nếu đi từ trung tâm Hà Nội thì đi qua quận Cầu Giấy, rồi thẳng theo quốc lộ 32 là tới nơi. Thị trấn này cách trung tâm thành phố khoảng 20 km, được thành lập năm 1994 trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã Đan Phượng và Song Phượng. Đến thị trấn Phùng, đi dọc tuyến phố chính là Nguyễn Thái Học du khách có thể dễ dàng tìm thấy các cơ sở làm Nem Phùng gia truyền nổi tiếng: Nem Phùng Thái Cam, Nem Phùng Bà Mắm, Nem Phùng Đặc sản, Nem Phùng Bà Hải Phở…
Nem là món ăn khá phổ biến mà bạn có thể dễ dàng tìm được khi đến bất cứ đâu ở Việt Nam, nhưng nem Phùng lại mang lại những cảm nhận khác biệt.
"Nem Phùng ăn với lá sung
Để người tứ xứ nhớ nhung một thời".
Đó là câu ca dao nói về độ gây "thương nhớ" của món nem với những du khách từng ăn thử. Nem Phùng là món ăn dân dã nên mọi nguyên liệu chế biến đều đơn giản, mộc mạc, song cách chế biến tỉ mỉ mới là chìa khoá thành công của đặc sản này.
Sản phẩm nem Phùng của Cơ sở Thái Cam, được đánh giá là sản phẩm Ocop 3 sao của thành phố Hà Nội. Ảnh: BT
Nguyên liệu chính để làm nem Phùng chính là thịt nạc lợn và bì lợn. Thịt heo dùng để làm nem Phùng là thịt mông hay thịt thăn, có cả nạc lẫn mỡ. Thịt heo sau khi rửa sạch sẽ được cắt miếng và luộc tái. Sau khi thấy thịt đã chín tái thì người chế biến sẽ tiếp tục lọc thịt nạc riêng, thịt mỡ riêng, xắt nhỏ ra rồi trộn với mắm, muối, bột ngọt. Bì lợn phải là loại bì lọc sạch mỡ, cạo sạch lông. Bì sẽ được luộc qua 2 lần nước sau đó thái thành từng sợi nhỏ vừa ăn. Sau khi đã chế biến xong thịt nạc và bì lợn, tiếp tục chuyển qua công đoạn làm thính. Thính dùng để trộn nem Phùng được làm nên từ nếp cái hoa vàng và gạo tẻ theo tỉ lệ 3 phần nếp, 7 phần tẻ. Muốn thính ngon và thơm lâu thì trong quá trình rang gạo – nếp, người chế biến phải để lửa nhỏ, đảo thật đều tay và thật nhanh. Công đoạn cuối cùng để hoàn thành nem Phùng là trộn 3 hỗn hợp thịt nạc, bì lợn và thính. Nem sau khi trộn sẽ được gói lại trong lá sung, bên ngoài gói lá chuối rồi buộc lại.
Cách thưởng thức món ăn này cũng rất đơn giản. Nem Phùng được ăn kèm với lá sung non, đây chính là "bí quyết" tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn này. Vị bùi, ngậy của thịt, đậm đà của gia vị, giòn thơm của bì lợn cùng với vị chát của lá sung, chua cay của tương ớt sẽ chinh phục những thực khách khó tính nhất.
Hiện nay, nem Phùng đã trở nên phổ biến hơn và không còn quá khó kiếm như trước, nem Phùng đã "có mặt" tại nhiều cửa hàng, thậm chí cả ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Không chỉ chiếm được tình cảm của các thực khách, sản phẩm nem Phùng cũng đã được ghi nhận trong danh sách của chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", với sản phẩm nem Phùng của Cơ sở Thái Cam, được đánh giá là sản phẩm Ocop 3 sao của thành phố Hà Nội.
Bảo TrungCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.