Nên giảm cả lãi suất cho vay ngoại tệ

Ngân hàng
10:47 PM 06/05/2020

Bên cạnh việc giảm lãi suất vay vốn bằng VND, nhiều doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng nên giảm cả lãi suất cho vay ngoại tệ.

    Nhiều doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng nên giảm cả lãi suất cho vay bằng ngoại tệ

    Mới chỉ giảm lãi suất VND

    TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết hiện quy mô của gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp đã được các ngân hàng nâng lên tới 600.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với con số 250.000 tỷ đồng theo dự kiến ban đầu.

    Trên thực tế, hiện hầu hết các ngân hàng đều triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất thấp hơn so với thời gian trước để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.

    Chẳng hạn, Vietcombank vừa đồng loạt giảm lãi suất cho vay đợt 2, trong đó các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch được giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng; còn các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp được giảm 5% số tiền lãi phải trả. Agribank cũng vừa tăng mức hỗ trợ giảm lãi suất đối với chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng từ 1%/năm lên đến 2,5%/năm, giúp khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.

    Không chỉ các ngân hàng quốc doanh, mà các ngân hàng cổ phần cũng tích cực vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, MB giảm lãi suất cho vay đến 0,9%/năm dành cho nhóm đối tượng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có dòng tiền thường xuyên về MB; VIB giảm 0,5% đến 2% lãi suất cho các doanh nghiệp hiện hữu đang vay trung, dài hạn và giảm lãi suất 0,5%-1,5% các khoản vay mới, bao gồm vay vốn ngắn hạn và vay vốn lưu động. VPBank cũng vừa công bố chương trình đồng hành thứ hai với mức giảm lãi suất tới 2% cho các DNNVV. Chương trình được áp dụng cho cả khách hàng hiện hữu lẫn khách hàng mới có nhu cầu vay vốn tại VPBank. Trước đó, VPBank cũng đã triển khai gói hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ COVID-19 như giảm lãi suất tới 1,5% một năm…

    Tuy nhiên, đa phần các gói tín dụng này mới chỉ quan tâm giảm lãi suất đối với các khoản vay vốn bằng tiền đồng. Trong khi đó hiện mới chỉ có một vài ngân hàng quốc doanh công bố giảm lãi suất các khoản vay ngoại tệ. Đơn cử BIDV đang triển khai gói tín dụng quy mô 100 triệu USD với lãi suất thấp hơn 0,5%/năm dành cho các khách hàng doanh nghiệp hiện hữu của BIDV có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID. Hay như Vietcombank cũng chỉ giảm 0,5%/năm đối với dư nợ cho vay bằng USD.

    Cần thêm chính sách hỗ trợ bằng USD

    Theo quy định của Thông tư 42/2018/TT-NHNN, kể từ thời điểm 1/10/2019 sẽ chỉ còn các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu được vay ngoại tệ.

    Trong khi đó, hiện hầu hết các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu đều đang gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, không chỉ thiếu nguyên liệu để sản xuất do chuỗi cung ứng bị đứt gãy mà cả đầu ra của sản phẩm cũng gặp khó do nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu… cũng đang bị dịch bệnh hoành hành.

    Với các doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày hay chế biến thủy sản, khó khăn lại càng thêm chồng chất khi mà sản xuất bị thu hẹp, song họ vẫn đang phải gồng mình lo đời sống cho hàng nghìn lao động.

    Tuy nhiên, hiện phần lớn các ngân hàng mới chỉ có biện pháp hỗ trợ cho các khách hàng vay tiền đồng, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu vay vốn bằng USD rất nhiều, nhưng lại chưa có chính sách hỗ trợ.

    Cũng vì lẽ đó, trong báo cáo mới đây gửi tới Bộ kê hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị các ngân hàng bổ sung các chính sách hỗ trợ bằng đồng USD cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tương tự như các chính sách hỗ trợ bằng VND. Trước đó hồi cuối tháng 3, cả ba Hiệp hội là Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam và VASEP cũng đã đồng loạt ký vào bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, trong đó cũng đề nghị giảm lãi suất cho vay xuống mức 4-5% đối với các khoản vay tiền đồng và 2-3% với khoản vay USD.

    Đồng tình với kiến nghị này, nhiều chuyên gia cho rằng các ngân hàng nên giảm cả lãi suất cho vay USD bởi điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm dòng tiền để duy trì sản xuất – kinh doanh. Lãi suất giảm cũng giúp doanh nghiệp giảm được chi phí vốn, qua đó giảm giá thành sản phẩm- một yếu tố vô cùng quan trọng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đang sụt giảm mạnh hiện nay. “Cơ hội giảm lãi suất cho vay USD cũng lớn hơn nhiều so với VND khi mà hiện lãi suất tiền gửi USD vẫn đang ở mức 0%”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.

     Theo Enternews

    Ý kiến của bạn