Nền kinh tế Halal dự kiến đạt 7.700 tỷ USD vào 2025

Kinh doanh
11:26 AM 23/10/2024

Với quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028, Halal đang được xem là thị trường lớn rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt.

Chiều 22/10, Hội nghị Halal “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững” đã được tổ chức tại Hà Nội, do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung để phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành Halal của các nước và các tổ chức khu vực, quốc tế; cơ hội và các đề xuất hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành Halal, mở cửa thị trường đối với sản phẩm Halal Việt Nam; tiềm năng, định hướng phát triển ngành Halal của Việt Nam và địa phương; thúc đẩy đàm phán, hướng tới ký kết các thỏa thuận/biên bản ghi nhớ hợp tác về Halal giữa các cơ quan, địa phương của Việt Nam với một số đối tác Halal tiềm năng, quan trọng.

Nền kinh tế Halal dự kiến đạt 7.700 tỷ USD vào 2025- Ảnh 1.

Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm của ngành Halal. Ảnh: Int

Tiến sỹ Yousif S.AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) đánh giá việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia là cột mốc quan trọng, cho thấy Việt Nam đã định vị mình là nguồn cung ứng thực phẩm Halal đáng tin cậy, mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, ông cho rằng những yêu cầu với sản phẩm Halal như sự tinh khiết, các chuẩn mực đạo đức, ứng xử phù hợp với thiên nhiên cũng là những yếu tố đã ăn sâu vào văn hóa Việt Nam. Những điều này mang cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam để lồng ghép các tiêu chuẩn Halal vào các sản phẩm của Việt Nam.

"Việt Nam đang nổi lên là một mắt xích rất quan trọng cho chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Với các lợi thế của mình, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất và phân phối các sản phẩm Halal. Hợp tác giữa Saudi Arabia và Việt Nam có thể tạo ra hệ sinh thái Halal thịnh vượng", Tiến sỹ Yousif S.AlHarbi nói.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Cơ quan chứng nhận Halal Ấn Độ Mohamed Jinna nhìn nhận Việt Nam đang ở thời điểm vàng để nắm bắt các cơ hội tham gia vào thị trường quy mô hơn 7.000 tỷ USD này. "Việt Nam có tiềm năng trở thành nhân tố quan trọng, trung tâm của nền kinh tế Halal toàn cầu", ông nói.

Hiện thị trường Halal toàn cầu có quy mô với hơn 2 tỷ người Hồi giáo. Nền kinh tế Halal dự kiến đạt 7.700 tỷ USD vào 2025 và tăng lên 10.000 tỷ USD trước 2030. Trong đó, dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 3.000 tỷ người vào 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu. Mức chi tiêu, sử dụng sản phẩm Halal của các nước Hồi giáo có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng phạm vi ngoài quốc gia theo đạo Hồi.

Nền kinh tế Halal dự kiến đạt 7.700 tỷ USD vào 2025- Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham qua một số gian hàng trưng bày các sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh VGP

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam mong muốn đưa Halal thành ngành thế mạnh, "nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột và động lực mới" trong phát triển quan hệ với các nước, gồm cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.

Ngành công nghiệp Halal gồm nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược phẩm, tới công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ. Muốn đưa hàng vào thị trường nghìn tỷ USD, sản phẩm của doanh nghiệp Việt cần đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, đạo đức trong quy trình chế biến, chất lượng, xanh, sạch, đảm bảo sức khỏe.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã vận hành Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam (HALCERT) và bộ tiêu chuẩn Halal Việt Nam. Với các doanh nghiệp, chứng nhận Halal là cánh cửa giúp họ chinh phục thị trường nghìn tỷ USD này.

Phân tích về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam trong phát triển thị trường Halal, Thủ tướng cho biết trong giai đoạn phát triển mới, Việt Nam xác định: Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường…; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.... Trên tinh thần đó, phát triển ngành Halal Việt Nam thực sự trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn