Nền kinh tế số tại Việt Nam với triển vọng bứt phá trong tương lai

Tiếp thị số
05:05 PM 05/11/2020

Năm 2019, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỷ USD và dự đoán có triển vọng bứt phá lên 43 tỷ USD vào năm 2025.

Nền kinh tế số tại Việt Nam với triển vọng bứt phá trong tương lai

Hiện Việt Nam và Indonesia là hai nước đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng quy mô phát triển kinh tế số trong khu vực ASEAN, đạt trung bình 38% một năm, trong khi những quốc gia còn lại tăng trưởng từ 20-30% hàng năm. 

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số một cách tự nguyện của các doanh nghiệp từ tác động của đại dịch Covid-19 đã tiếp tục tăng tốc cho các hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.

Nền kinh tế số tại Việt Nam với triển vọng bứt phá trong tương lai - Ảnh 1.

Năm 2019, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỷ USD và dự đoán có triển vọng bứt phá lên 43 tỉ USD vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ; trong đó Thương mại điện tử được dự đoán đạt doanh số 23 tỷ USD vào năm 2025.

Chính phủ đã sớm nhận ra tiềm năng to lớn của mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó phát triển kinh tế số được xem là xu hướng tất yếu để tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam trong bối cảnh làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ.

Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thương mại điện tử sẽ là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường xuất khẩu.

Tại hội thảo với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong kỷ nguyên số” diễn ra ngày 4/11, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: "Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ đã có định hướng đến năm 2025 kinh tế số chiếm tỷ trọng 20% GDP và thương mại điện tử là một trong những cấu phần quan trọng đối với mục tiêu tổng mức bán lẻ thương mại điện tử hàng hóa, dịch vụ trên cả nước đến năm 2025 đạt 35 tỷ USD. Thương mại điện tử ngày càng khẳng định là một trong những kênh phân phối quan trọng hiện đại bên cạnh kênh phân phối truyền thống".

Theo nhận định từ các chuyên gia, nhìn lại tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế số, hệ thống dữ liệu còn phân tán chưa chia sẻ và kết nối liên thông. 

Bên cạnh đó, việc phát triển không đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế, các vùng miền, sự kết nối của các thành phần kinh tế chưa cao… Do đó các chuyên gia cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới kinh tế số thì cần công bố quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

PGS. TS Phan Thế Công, Trường Đại học Thương mại nêu quan điểm tại hội thảo: Cần công bố quy hoạch về phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ rõ tính chiến lược phát triển quốc gia cũng như của từng ngành từng bộ phận tỉnh, thành phố. 

Qua đó giúp người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý định hình được chiến lược phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó áp đặt cho mình phải thay đổi trong giai đoạn này.

Cùng với đó là cần phải đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao cần phải có Nghị định, quy định với hệ thống pháp luật đồng bộ để tạo niềm tin cho người dùng.

Hoàng Mai
Ý kiến của bạn
Siêu thị và TTTM đua giảm giá, kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30/4-1/5 Siêu thị và TTTM đua giảm giá, kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30/4-1/5

“Giảm giá bán - đổi sức mua” là chiến lược chung của siêu thị và TTTM trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Ghi nhận tại các trung tâm thương mại và hệ thống siêu thị, số lượng chương trình, hạn mức khuyến mại trong thời gian này đã được tăng lên để phục vụ nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân.