Nên tạm dừng xuất khẩu phân bón, ưu tiên thị trường trong nước
Để bình ổn thị trường phân bón trong nước, Bộ Công Thương đang nghiên cứu quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đề xuất hoặc hạn chế xuất khẩu một số loại phân bón.
Từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng trung bình 50-73%, thậm chí có loại tăng 83%. Giá phân bón tăng làm tăng chi phí sản xuất, và trong hoàn cảnh giá lúa gạo tăng giảm, đã gây ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân... Trước tình hình này, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức "Hội nghị trực tuyến về đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón”.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá phân bón liên tục tăng cao và nguyên nhân được lý giải là do cầu phân bón phục hồi nhanh hơn cung.
Khẳng định tại Hội nghị, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho rằng, giá phân bón tăng không phải do cầu vượt cung. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón. Nhu cầu sử dụng phân bón trong nước không tăng trong những năm gần đây, trên 10 triệu tấn. Do đó, nói giá phân bón tăng do bất cập cung cầu là không đúng.
Nguyên nhân chính là do thị trường hàng hóa thế giới đang hình thành một mặt bằng giá mới. Cùng với đó, là sự tăng giá của các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất; chi phí vận tải trong nước và thế giới, nhất là cước tàu biển…
Song, đại diện các địa phương cho rằng, giá phân bón đang tăng quá nhanh, nên cần sự giải thích cho rõ và đầy đủ. Giá phân bón tăng đã ảnh hưởng lớn đến người nông dân trồng lúa. Chi phí cho phân bón tăng từ 30-50%, trong khi giá lúa bán chỉ được từ 5.000 - 5.300 đồng/kg nên lợi nhuận không đảm bảo cho người trồng lúa.
Để bình ổn thị trường phân bón, các doanh nghiệp đề xuất, trước mắt cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển. Về lâu dài, cần giảm chi phí sản xuất, dù vẫn phải chấp nhận giá cao đối với một số nguyên liệu nhập khẩu đầu vào. Đặc biệt, cần bình ổn giá các mặt hàng nguyên liệu sẵn có trong nước như than cho sản xuất URE, amoniac cho sản xuất DAP…
Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam phải được bán với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhấp.
“Xuất khẩu là quyền của doanh nghiệp nhưng chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp tạm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu, tập trung đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước”, ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất cho hay, với một số mặt hàng phân bón trong nước đang thiếu cần hạn chế xuất khẩu thì chỉ áp dụng các biện pháp gián tiếp phù hợp quy định WTO và trước khi thực hiện phải xin ý kiến Thủ tướng.
Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ động làm việc với các kênh phân phối để có các giải pháp bảo đảm lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo cho vụ Đông - Xuân sắp tới.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón.
Hoài Thương (t/h)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.