Nền tảng tung mã giảm giá quá sâu, shipper, quán ăn đến khách hàng đều khủng hoảng: Một cuộc “hỗn chiến” chưa từng có của các ông lớn
Quá nhiều voucher giảm giá khiến cốc trà sữa, bữa gà rán có thể mua với giá gần như miễn phí.
Một cuộc hỗn loạn vừa xảy ra với các nền tảng giao đồ ăn của Trung Quốc vào cuối tuần qua, khi các ông lớn đã đối đầu gay gắt, châm ngòi cho một cuộc chiến giá cả khốc liệt. Kết quả là “cuộc chiến” này đã khiến các cửa hàng đồ uống quá tải, ứng dụng sập, và các shipper khủng hoảng.
Cuộc chiến mã giảm giá: Giảm đến mức gần như miễn phí
Cơn sốt bắt đầu vào thứ Bảy (5/7), khi các ông lớn như Meituan, Taobao Flash Sales và Ele.me của Alibaba và nhánh giao hàng mới của JD.com tung ra hàng loạt voucher giảm giá sâu, chẳng hạn như "giảm 24 NDT (84.000 VNĐ) khi chi tiêu 25 NDT (87.500 VNĐ)" và "giảm 15 NDT (52.500 VNĐ) khi chi tiêu 15 NDT (52.500 VNĐ)".
Nền tảng Taobao Flash Sales còn giới thiệu mã giảm giá cho người dùng mới "giảm 18 NDT (63.000 VNĐ) khi chi tiêu 18 NDT (63.000 VNĐ)", và Meituan hợp tác với các thương hiệu đồ uống để đưa ra các chương trình khuyến mãi "trà sữa 0 NDT (0 VNĐ)".
Trên mạng xã hội, người dùng đã chia sẻ ảnh chụp màn hình đơn hàng của họ: trà sữa chỉ với 1 NDT (3.500 VNĐ) và combo gà rán 51 NDT (178.500 VNĐ) giảm xuống còn 1.1 NDT (3.850 VNĐ). Khách hàng thậm chí còn khoe ảnh chụp màn hình các đơn đặt trước kéo dài trong ba ngày khuyến mãi.

Các shipper chờ tại một cửa hàng đồ uống ở Thượng Hải, ngày 7 tháng 8 năm 2024.
Các chương trình khuyến mãi đã thu hút số lượng đơn hàng quá lớn. Ứng dụng của Meituan đã tạm thời bị sập vào tối ngày 5 tháng 7 do nhu cầu đạt kỷ lục. Đến khoảng 11 giờ đêm thứ Bảy, Meituan báo cáo hơn 120 triệu đơn hàng trong ngày thông qua hệ thống bán lẻ tức thời của mình, với hơn 100 triệu đơn đến từ giao đồ ăn.
Vào thứ Hai (7/7), Taobao Flash Sales và Ele.me cùng thông báo rằng số đơn hàng hàng ngày của họ đã vượt quá 80 triệu, với hơn 13 triệu đơn đến từ các mặt hàng phi thực phẩm.
Cuộc chiến giá cả có nguồn gốc từ tháng 4, khi JD.com tuyên bố gia nhập thị trường giao đồ ăn. Nó tạo ra một thách thức trực tiếp đối với Meituan, hiện đang thống trị lĩnh vực này tại xứ tỷ dân. Vào tháng 5, Alibaba ra mắt Taobao Flash Sales - được ưu tiên hiển thị nổi bật trên trang chủ của ứng dụng thương mại điện tử Taobao vốn rất phổ biến tại Trung Quốc. Hãng còn hợp tác với Ele.me để củng cố hoạt động kinh doanh bán lẻ tức thời của mình.
Kể từ đó, các nền tảng đã cạnh tranh gay gắt bằng cách phân phát các voucher khủng để thu hút khách hàng, tạo ra cuộc chiến “giảm nữa, giảm mãi”. Sau khi ra mắt vào tháng 5, Taobao Flash Sales đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, với số lượng đơn hàng hàng ngày tăng từ hơn 40 triệu vào cuối tháng 5 lên hơn 60 triệu vào cuối tháng 6.
Tuần trước, Taobao Flash Sales đã thông báo đầu tư 50 tỷ NDT (175.000 tỷ VNĐ) vào các khoản trợ cấp trực tiếp cho người tiêu dùng và thương nhân trong năm tới - một động thái mà một số người trong ngành cho rằng đã châm ngòi cho cuộc chiến giá cả cuối tuần qua. Thời điểm này trùng với tuần lễ đầu tiên của mùa tiêu dùng hè, theo truyền thống là thời kỳ cao điểm của các chương trình khuyến mãi giao hàng.
Tất cả đều kiệt sức
Cuộc chiến giao hàng giữa các ông lớn công nghệ Trung Quốc không chỉ khiến ứng dụng sập và đơn hàng tăng vọt mà còn khiến các cửa hàng đồ uống quá tải và nhân viên làm việc quá sức.
Một cửa hàng trà Auntea Jenny ở Thượng Hải, một đơn vị tham gia chiến dịch "cà phê 0 NDT" của Meituan, báo cáo rằng chỉ 4 nhân viên đã pha chế gần 3.000 đồ uống trong một ngày. Theo truyền thông, nhiều cửa hàng trà có trụ sở tại Thượng Hải đã chứng kiến số lượng đơn hàng hàng ngày tăng gấp đôi, lên tới 300 đến 500 yêu cầu, vượt xa tốc độ thông thường của họ. Một tài xế giao hàng được cho là đã lập kỷ lục cá nhân, hoàn thành 127 đơn hàng trong một ngày và kiếm được hơn 1.700 NDT (gần 6 triệu VNĐ).

Có sản phẩm được áp mã giảm giá xuống còn 0 NDT
Sự bùng nổ đó cũng đồng nghĩa với hỗn loạn. Một số người dùng phàn nàn về thời gian chờ đợi lâu hoặc nhận sai đơn hàng. Trên mạng xã hội, người mua chia sẻ cách một số tài xế giao hàng chỉ biết vơ lấy bất cứ thứ gì họ có thể tại các điểm lấy hàng, vì các cửa hàng đang trong tình trạng hỗn loạn.
Đáp lại, một số chủ quán đã gỡ bỏ các mặt hàng bán chạy nhất của họ hoặc thậm chí vô hiệu hóa dịch vụ giao hàng để cắt giảm đơn hàng trực tuyến. Một số chủ cửa hàng cho biết, mặc dù số lượng đơn hàng tăng vọt, lợi nhuận không phải lúc nào cũng theo kịp.
"Càng nhiều đơn hàng, chúng tôi càng phải bù lỗ thay cho nền tảng," một nhân viên của Auntea Jenny nói. "Một ngày có thể cho thấy doanh thu hơn 10.000 NDT (35.000.000 VNĐ), nhưng sau khi trừ các khoản trợ cấp, chỉ còn vỏn vẹn 6.000 NDT (21.000.000 VNĐ). Tính thêm chi phí đồ uống, nhân công, tiền thuê nhà và tiện ích, đôi khi chúng tôi chỉ kiếm được chưa đến 1 NDT (3.500 VNĐ) mỗi cốc."

Hình ảnh 1 cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ "thành quả" vào ngày "Thứ 7 điên cuồng" vừa qua
Theo Chen Liteng, nhà phân tích tại trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử 100EC, lợi ích ngắn hạn của các chương trình khuyến mãi như vậy là rõ ràng: người tiêu dùng được hưởng giá cực thấp và thói quen tiêu dùng tần suất cao được củng cố. Nhưng về lâu dài, ông cảnh báo về sự phụ thuộc vào giá cả. Một khi các khoản giảm giá biến mất, khối lượng đơn hàng có thể giảm mạnh, và việc tiêu dùng quá mức có thể dẫn đến lãng phí.
Ông cũng nói rằng các khoản giảm giá khổng lồ có thể làm trầm trọng thêm sự phân chia giữa các chuỗi lớn và các nhà cung cấp nhỏ hơn. "Đối với các thương nhân nhỏ hơn, cuộc chiến voucher buộc họ phải gánh vác chi phí cao hơn, trong khi các thương hiệu chuỗi được tài trợ tốt sử dụng lợi thế vốn của họ để chiếm thị phần. Điều này làm tăng áp lực lên các nhà bán lẻ nhỏ hơn và đẩy hệ sinh thái ngành đến sự hợp nhất và sự thống trị của các ông lớn," Chen nói.
"Đối với các nền tảng, sự gia tăng đột biến thúc đẩy các con số ngắn hạn, nhưng phải trả giá bằng các khoản giảm giá khổng lồ và khả năng mất ổn định hệ thống," ông nói thêm.
Nguồn: Sixth Tone
Chi Chi
NHNN đang nghiên cứu kỹ lộ trình bỏ room tín dụng trên cơ sở đánh giá các tác động vĩ mô để tìm giải pháp phù hợp mà vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.