Nét đẹp của làng nghề sơn mài Hạ Thái
Làng Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong 7 điểm du lịch làng nghề của Thủ đô với nghề chính làm sơn mài. Bằng đôi bàn tay khéo léo, không ngừng sáng tạo, người dân Hạ Thái đã, đang không ngừng tìm tòi để làm ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Nỗ lực giữ nghề
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 17km về phía Nam, xã Duyên Thái nổi tiếng với nghề làm sơn mài. Đây vốn là một trong những nghề cổ đã và đang được người dân gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay.
Những người dân trong làng Hạ Thái cũng không biết chính xác làng nghề sơn mài bắt đầu hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng qua hai bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng bằng sơn mài được thờ trong đình làng Hạ Thái, nghề sơn mài được xác định có ở đây từ thế kỷ XVII.
Thời kỳ đầu, các sản phẩm sơn mài của người dân Hạ Thái chủ yếu là hoành phi câu đối và các vật dụng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của gia đình quyền quý như tráp, khay, đĩa… Đến thế kỷ XX, các nghệ nhân đã nghiên cứu, cải tiến chất liệu từ quang dầu thành sơn mài, rồi sơn mài phát triển trên tre, gỗ, giấy bồi (sơn mài vẽ), tiếp đến là sơn mài khảm, đồ nét, khắc, sơn mài đắp trên vỏ trứng, nhựa. Đời sống ngày một phát triển, làng nghề đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào việc pha chế, thay đổi công đoạn phủ sơn. Mỗi sản phẩm có khi đến 15 - 16 lớp sơn để bảo chất lượng bóng, bền, đẹp.
Chất liệu làm sơn mài được sử dụng từ cây sơn, một loại cây được trồng nhiều ở vùng Phú Thọ. Sản phẩm sơn mài phản ánh quá trình lao động miệt mài, tỉ mỉ, chứa đựng nét tài hoa của những người thợ, toát lên vẻ đẹp lộng lẫy, óng ánh của các họa tiết mang đậm tính nghệ thuật tinh tế, kiêu sa, duyên dáng. Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải thực hiện hoàn toàn thủ công, với nhiều công đoạn tỉ mỉ và tốn rất nhiều thời gian, có khi cả tháng mới xong một sản phẩm.
Theo những người dân tại địa phương, vào những năm đầu thế kỷ XX, làng Hạ Thái có nghệ nhân Đinh Văn Thành, là giảng viên Trường mỹ thuật Đông Dương, ông là người đầu tiên đưa bức tranh đi giới thiệu tại các hội chợ ở Paris (Pháp). Sau này, nghệ nhân đã cải tiến từ sơn dầu để đưa nghề sơn mài về làng… Trải qua hàng trăm năm, làng nghề vẫn phát triển và trở thành điểm du lịch, tham quan thu hút khách, đặc biệt là những khách quốc tế, khách ở phương xa.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái, cũng là người vẽ tranh sơn mài có tiếng ở làng cho biết, tranh sơn mài của làng nghề Hạ Thái sử dụng những vật liệu màu rất truyền thống của nghề sơn như sơn cánh gián, sơn then, các loại son, bạc thếp, vỏ trai, vàng thếp… và chủ yếu được vẽ trên nền vóc màu đen. Cộng thêm đưa kỹ thuật mài vào đã tạo nên một kỹ thuật sơn mài độc đáo và tạo dấu ấn riêng, làm nên một sản phẩm có thương hiệu và một địa danh làng sơn mài Hạ Thái nổi tiếng.
Sự khác biệt lớn nhất của làng nghề sơn mài Hạ Thái đó là mọi sản phẩm đều lấy cảm hứng từ thiên nhiên, nguyên liệu rất đơn giản, mộc mạc để tạo ra những sản phẩm phong phú. Đây là nét đặc trưng mà không phải làng nghề nào cũng có được, đó chính là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
Để làm nên một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh và mang dấu ấn riêng, người nghệ nhân phải trải qua 3 công đoạn, công phu và tỉ mỉ gồm: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng. Mỗi công đoạn đều được người thợ rất chăm chút, phối hợp từ chi tiết nhỏ nhất, và đa phần thực hiện bằng tay, do đó, người nghệ nhân còn phải am hiểu cả kiến thức về hội họa.
Bên cạnh việc kế thừa truyền thống nghề của cha ông, với sức sáng tạo mới, những nghệ nhân ngày nay đã tạo ra rất nhiều loại sản phẩm phong phú, đa dạng, với hình thức, mẫu mã đẹp, gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày như bình hoa, bát, khay... Ngoài các mặt hàng sơn mài, các sản phẩm làm sơn son thiếp vàng như đồ thờ, hoành phi, câu đối, tượng Phật… cũng được đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân thể hiện bằng những đường nét tinh xảo.
Nhiều năm nay, làng nghề sơn mài Hạ Thái trở thành địa chỉ có uy tín với bạn hàng trong nước cũng như quốc tế, sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Điểm du lịch trải nghiệm nhiều tiềm năng
Đến làng nghề sơn mài Hạ Thái, không khó để nhận ra “lửa nghề” vẫn rực cháy ở mảnh đất này. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi chia sẻ: Địa phương hiện có 300 hộ với khoảng 1.000 lao động đang làm nghề sơn mài. Nghệ nhân lâu năm hầu hết ở tuổi xưa nay hiếm và chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tuy nhiên Hạ Thái có lớp người kế cận đông đảo trong độ tuổi từ 30 - 50. Thu nhập của một lao động làm nghề sơn mài tại địa phương khoảng 5 triệu đồng/tháng, hoặc sẽ cao hơn nếu có nhiều đơn đặt hàng.
Đặt chân đến làng nghề Hạ Thái, vào tham quan các hộ gia đình, cơ sở làm sản xuất kinh doanh sản phẩm sơn mài ở Hạ Thái, dễ dàng nhận thấy sản phẩm tại đây rất đa dạng. Đáng nói hơn, bản sắc văn hóa Việt được thể hiện trên mỗi sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái, đó có thể là hình ảnh cây đa bến nước, Chùa Một Cột, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cầu Thê Húc, Vịnh Hạ Long, hoa sen, phiên chợ quê xưa, cậu bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo, con đò lá trúc...
Ngoài việc người dân đang giữ nghề và sống được bằng nghề truyền thống, Hạ Thái được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm - cộng đồng. Từ năm 1997-1998 trở lại đây, khách hàng cũng như khách du lịch nước ngoài đến với làng Hạ Thái ngày một nhiều. Thậm chí, nhiều khách hàng nước ngoài còn đưa cả người thân đến thăm quan làng nghề, giới thiệu cho con cháu họ về nghề sơn mài. Với họ, Hạ Thái không chỉ còn là nơi để họ làm ăn, mà còn là nơi để họ tìm hiểu về một nét văn hóa đặc trưng của một dân tộc.
Chùm ảnh “khách du lịch tham quan trải nghiệm tại làng” (Nguồn ảnh: Ngô Quý Đức)
Cuối năm 2020, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định công nhận làng nghề sơn mài Hạ Thái là điểm du lịch của Thủ đô. Đây được xem là cơ hội để làng nghề sơn mài Hạ Thái quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, mở ra cơ hội để làng nghề phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Bên cạnh việc giữ gìn những bản sắc vốn có, người dân Hạ Thái hiện nay đã mở rộng các mô hình kinh doanh nhằm nâng cao độ phủ sóng và thúc đẩy kinh tế cho làng. Lấy nét đặc trưng là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam, làng Hạ Thái đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu và thử sức làm tranh sơn mài.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, bà Trần Thị Mai, Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện Thường Tín cho biết, kể từ khi được công nhận là làng nghề du lịch năm 2020, chính quyền địa phương đã dành sự quan tâm cho phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Huyện Thường Tín đã hoàn thành hệ thống tư liệu video và ảnh bằng công nghệ hiện đại về tiềm năng du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tích cực tuyên truyền, quảng bá về đất danh hương, đất làng nghề. Đồng thời, tổ chức đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch, trong đó có làng nghề sơn mài Hạ Thái.
Huyền MyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.