Nét đẹp “Uống nước nhớ nguồn” từ Lễ cấp thủy trong ngày khai hội Đền Trần Thái Bình

Địa phương
07:04 AM 23/02/2024

Lễ rước nước hay còn gọi là lễ cấp thủy là một trong những nghi lễ được diễn quan trọng được diễn ra trước thời điểm khai hội lễ Đền Trần Thái Bình, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Nghi lễ này được tổ chức vào chiều ngày 22/2 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn.

Tồn tại và phát triển từ năm 1225 đến năm 1400, Vương triều Trần có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Triều Trần không chỉ giỏi trong đánh giặc giữ nước, lãnh đạo phát triển kinh tế, quản lý xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền Nhà nước… mà còn để lại những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, đặc sắc, đỉnh cao là hào khí Đông A lẫy lừng

Nét đẹp “Uống nước nhớ nguồn” từ Lễ cấp thủy trong ngày khai hội Đền Trần Thái Bình- Ảnh 1.

Lễ cấp thủy trong ngày khai hội Đền Trần Thái Bình

Định lệ hằng năm, vào ngày 13 tháng Giêng, Lễ hội Đền Trần sẽ được mở trên vùng đất thủy tổ nhà Trần, đất Long Hưng xưa - Hưng Hà nay, nơi được xem là đất phát nghiệp vương nhà Trần. Lễ rước nước trên sông Hồng đóng một vai trò quan trọng, đây không những là một trong nghi lễ mở đầu, khởi nguyên cho chuỗi các hoạt động, sự kiện diễn ra trong kỳ mở hội Đền Trần (sau lễ dâng hương tại 3 gò mộ vua Trần - "tiền Tam thai", lễ tế mở cửa đền Vua, đền Thánh, đền Mẫu) mà còn có ý nghĩa rất thiêng liêng khi phải rước nước thiêng (linh thủy) ở nơi xanh trong nhất của sông Hồng về làm lễ tế ở Đền Vua. Lễ rước nước không chỉ là nghi lễ khuyến nông, khuyến ngư, cầu mong mưa thuận gió hòa, nghề nông phát triển mà còn tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn bó với sông nước.

Nét đẹp “Uống nước nhớ nguồn” từ Lễ cấp thủy trong ngày khai hội Đền Trần Thái Bình- Ảnh 2.

Lễ cấp thủy trong ngày khai hội Đền Trần Thái Bình

Cùng với lệ thi cỗ cá, tục giao chạ, các tục thi vật cầu, đấu gậy..., lễ rước nước là một nghi thức quan trọng, tạo nên nét độc đáo, đặc sắc trong di sản văn hóa phi vật thể của Lễ hội Đền Trần, Thái Bình. Lễ cấp thủy năm nay có sự tham gia của gần 80 đoàn rước với hơn 2.220 người và hàng nghìn người dân cùng du khách thập phương.

Nghi thức rước lễ hội Đền Trần, Thái Bình được tiến hành với hành trình rước bộ (rước chân nhang từ đền Trần ra bến sông) và rước thủy (đi lấy nước thiêng). Từ nhiều năm nay, tham gia lễ rước nước thủy, bộ có các đoàn nghênh kiệu (đây là các kiệu bác cống linh vị liệt tổ Nhà Trần; kiệu bát cống linh vị các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; kiệu bát cống linh vị Đức Thánh Trần; kiệu bát cống linh vị hoàng hậu, công chúa nhà Trần, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung…), các đoàn múa rồng, múa lân, bát âm và tế nam quan, nữ quan, tín đồ, lão làng, kinh sư...

Nét đẹp “Uống nước nhớ nguồn” từ Lễ cấp thủy trong ngày khai hội Đền Trần Thái Bình- Ảnh 3.

Lễ cấp thủy trong ngày khai hội Đền Trần Thái Bình

Sau khi làm nghi lễ nghinh các chân hương lên từng kiệu, đoàn rước nhằm hướng ra bến sông Nhật Tảo. Đi đầu đoàn rước là kiệu Bát cống trên đặt lô nhang và bài vị các vị vua Trần, theo sau kiệu bát cống là 3 đến 4 đoàn tế mang chấp kích, bát biểu, tàn lọng, đố tế khí… Kiệu bành đi sau cùng, trên mỗi kiệu bành có một chum nhỏ, miệng chum thắt sợi dây lụa đỏ. Đoàn rước nước được trống rong cờ mở đưa đường, dàn nhạc bát âm tấu khúc hành lễ rộn ràng.

Khởi kiệu từ Đền Trần, đi qua cầu Bến, qua đền Quan, đoàn rước đi đến chùa Hội Đồng sau đó vòng ra đê. Dọc đường đi tới bến sông, cờ lễ hội cắm rợp trời, chiêng trống vang lừng, nhân dân đứng chật hai bên đường xem lễ hội… Tại bờ đê, 3 chiếc thuyền rồng đã chờ sẵn ở mép nước, mỗi thuyền đều trang trí cờ thần, có cờ Trần to, rộng, tàn lọng. Lúc này kiệu được để lại trên bờ, nghi thức rước kiệu Phật, khiêng các chum nhỏ xuống thuyền rồng diễn ra nghiêm trang, thành kính và cẩn trọng. Sau đó 3 thuyền rồng thực hiện hành trình di chuyển trên sông, tìm chỗ nước thanh sạch nhất để lấy nước thiêng. Khi đến giữa sông Hồng, đoạn ngã ba Tuần Vương - Tam Tỉnh, nghi thức lấy nước thiêng sẽ được thực hiện. Nghi lễ quan trọng nhất trong lễ rước chính là việc lấy nước thiêng - linh thủy.

Nét đẹp “Uống nước nhớ nguồn” từ Lễ cấp thủy trong ngày khai hội Đền Trần Thái Bình- Ảnh 4.

Lễ cấp thủy trong ngày khai hội Đền Trần Thái Bình

Một vòng tròn quấn bện vải lụa đỏ được thả xuống sông Hồng, các nghi lễ "mua nước" của thủy thần diễn ra thành kính. Bô lão của các làng dùng gáo dừa nhỏ (có cán dài) từ tốn múc nước sông Hồng trong phạm vi một vòng tròn quấn vải điều đỏ đã thả xuống sông trước đó rồi đổ nước vào chum. Sau khi nước đã đầy chum, các thuyền rồng quay đầu, ghé vào bờ. Tại đây, cũng chính các bô lão làm các thủ tục nghi lễ khênh chum nước nhỏ đặt lên bành rồi dùng dây lụa đỏ chằng buộc chum nước rất cẩn thận để tránh bị đổ trong khi khênh. Tám thanh niên ở kiệu đầu kính cẩn khênh kiệu đi trước, hậu bành trên có chum nước đi sát kiệu đầu, các kiệu sau cứ thế cùng đồng loạt quay về Đền Vua. Khi nước thiêng về đến đền, các làng và các đoàn cùng thực hiện tế lễ. Ba đến năm ngày tế lễ, nước ở trong chum được lấy ra phân phát cho các giáp (làng) mang về chia cho các gia đình trong thôn, làng để lấy phúc.

Nét đẹp “Uống nước nhớ nguồn” từ Lễ cấp thủy trong ngày khai hội Đền Trần Thái Bình- Ảnh 5.

Lễ cấp thủy trong ngày khai hội Đền Trần Thái Bình

Cùng với các nghi thức, nghi lễ khác đã làm nên giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia của Lễ hội Đền Trần Thái Bình, lễ rước nước đã thể hiện đậm nét phương thức sống của cư dân vùng sông nước và mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, nghề nông phát triển. Đây là hoạt động tưởng nhớ đến các vị vua Trần, thể hiện nét đẹp "uống nước nhớ nguồn" của người dân, đồng thời cũng truyền lại thông điệp, trước khi lên ngôi vua, tổ tiên nhà Trần sống bằng nghề chài lưới. Với vị trí, vai trò quan trọng đó nên năm nào Lễ rước cũng được địa phương tổ chức rất long trọng, trang nghiêm và thành kính; thu hút hàng ngàn người dân, du khách thập phương cùng tham dự.

Châu Nguyên
Ý kiến của bạn