Nếu lương của bạn cứ mãi trì trệ, có nên từ bỏ công việc hiện tại hay không?

Xã hội
07:44 AM 29/11/2021

Hãy đánh giá lại tình hình công việc của bạn, để quyết định xem, bạn có nên thay đổi nó hay không!

Ai trong chúng ta cũng sẽ cho rằng, nếu mình làm việc chăm chỉ thì sẽ được ghi nhận công lao và được thưởng một khoản tiền lớn, hoặc được tăng lương hàng năm. Đó là một điều hoàn toàn hợp lý, đúng không? Vì vậy, lý do gì mà chúng ta cứ phải tiếp tục chấp nhận làm việc, với một mức lương cứ mãi dậm chân tại chỗ?

Quay trở lại với tình hình công việc thực tế. Bạn đã làm việc rất chăm chỉ. Thậm chí, trong thời gian nghỉ trưa, bạn phải vừa ăn trưa vừa tiếp tục làm việc. Và ngay cả khi bạn đã cống hiến hết mình cho công việc như vậy, bạn cũng chỉ nhận được một mức lương tăng thêm ít ỏi khi đến thời điểm được nâng lương theo quy định. Đôi lúc, sếp của bạn còn cho rằng đó là điều mặc định bạn nên làm. Đây quả là một thực trạng rất đáng buồn.

Tuy nhiên, không phải chỉ có mỗi mình bạn lâm vào tình cảnh như vậy đâu!

Theo kết quả thăm dò từ một cuộc khảo sát toàn cầu của Monster, có đến 18% số người được hỏi chưa bao giờ được tăng lương. Bên cạnh đó, cũng có khoảng 26% số người tham gia cuộc thăm dò phản hồi lại rằng, họ đã chưa được tăng lương trong hơn một năm nay. Phần lớn lý do có thể không đến từ hiệu suất của người lao động, mà ngược lại, nó bắt nguồn từ chính sách của những người sử dụng lao động. Theo báo cáo của WorldatWork, ngân sách tăng lương tại nhiều công ty đang tăng trưởng khá chậm. Mức tăng lương trung bình cho năm nay dự kiến chỉ rơi vào khoảng 3,2%. Có lẽ đã đến lúc bạn cần đánh giá lại công việc hiện tại của mình để có thể tìm được một công việc tốt hơn và nhận được những mức lương xứng đáng hơn.

Nếu bạn nhận thấy mình đang gặp phải một hoặc nhiều trường hợp sau đây, thì đã đến lúc bạn nên bắt đầu tìm kiếm một công việc khác:

1. Bạn đang nhận được một mức lương thấp hơn so với đồng nghiệp của bạn, những người hiện đang làm việc cho những công ty đối thủ/ công ty khác

Bạn luôn có thể tìm cho mình những nguồn thu nhập xứng đáng nếu bạn hiểu rõ được năng lực của bản thân đến đâu và nắm bắt được tình hình thị trường thực tế đang diễn ra như thế nào.

Hãy trò chuyện với bất kỳ người đồng nghiệp nào mà bạn cảm thấy thoải mái, để thảo luận với họ về vấn đề lương bổng và nắm được mức thu nhập mà họ đang kiếm được tại các công ty khác. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến từ một người cố vấn nào đó để có thể biết được, mình nên đưa ra quyết định như thế nào đối với công việc hiện tại.

Bạn cũng có thể truy cập vào các website có chủ đề tiền lương để tra cứu xem, với chức danh hiện tại, liệu mức lương mà bạn đang nhận được có tương xứng với mức lương trung bình trên thị trường hay không? Nếu mức lương mà bạn đang kiếm được ít hơn 15–20% so với mức trung bình thì bạn không cần ngần ngại gì nữa. Hãy nghỉ việc và tìm kiếm một công việc khác, để nhận được một mức lương xứng đáng hơn.

2. Bạn đã không được tăng lương trong suốt 18 tháng vừa qua

Về mặt lý thuyết, 2 năm có thể được coi là một khoảng thời gian tối đa giữa mỗi lần tăng lương. Tuy vậy, bạn cũng đừng để cho khoảng thời gian này kéo dài như vậy. Sau khi đã làm việc được khoảng 18 tháng, đã đến lúc bạn nên thảo luận với sếp của bạn về vấn đề tăng lương.

Có thể sếp sẽ nói với bạn rằng, công ty đã trải qua 12 tháng khá khó khăn và hiện tại chưa thể tăng lương cho bạn được. Đây cũng sẽ là một cơ hội để bạn tìm hiểu xem, điều tương tự có lập lại trong khoảng thời gian 12 tháng tiếp theo hay không?

Hãy đặt ra một câu hỏi như sau: "Dựa trên những thành tích của tôi trong năm vừa qua, liệu tôi có khả năng được tăng lương trong năm nay hay không?" Nếu sếp của bạn thực sự nắm rõ được những thông tin có liên quan đến câu hỏi này, có thể họ sẽ nói cho bạn biết sự thật, hoặc ít nhất là, họ cũng có thể cho bạn một cái nhìn sơ lược về những gì bạn có thể mong đợi, ngay cả khi họ không biết rõ về tình trạng ngân sách cụ thể của công ty. Điều này sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn khái quát về vị trí lương thưởng và nó cũng sẽ khiến cho sếp hiểu rằng, bạn đang thật sự rất quan tâm đến vị trí công việc hiện tại của mình.

Nếu sếp của bạn không thể cho bạn một câu trả lời rõ ràng hoặc không thể cung cấp cho bạn một lộ trình cụ thể về vấn đề này, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên bắt đầu nghĩ đến việc tìm kiếm một công việc khác.

Cuộc trò chuyện này có thể khiến bạn cảm thấy khó xử, nhưng bạn càng đề cập nhiều chừng nào về vấn đề lương thưởng với cấp trên của mình, thì bạn sẽ càng có khả năng thương lượng mạnh mẽ hơn về mức lương của những công việc mà sau này bạn sẽ ứng tuyển.

Bên cạnh đó, cũng sẽ có một số dấu hiệu khác cho thấy, công ty của bạn sẽ không bao giờ có thể tăng lương cho bạn. Ví dụ như khi công ty báo cáo mức tăng trưởng doanh thu thấp, hoặc họ sẽ ngừng mọi hoạt động tuyển dụng chẳng hạn. Khi ngân sách của công ty bị đóng băng, thì bạn cũng sẽ chẳng còn có cơ hội nào để được tăng lương nữa đâu!

3. Trong suốt 12 tháng làm việc vừa qua, bạn không thấy được bất kỳ tiềm năng nào để có thể thăng tiến trong tương lai

Ngay cả trong một môi trường làm việc có phần trì trệ, thì bạn vẫn có thể có tiềm năng để phát triển nếu bạn đang đi đúng đường lối để được thăng chức. Khi bạn được thăng tiến lên một chức vụ nào đó, thông thường bạn sẽ nhận được thêm một khoản thu nhập cao hơn so với đồng nghiệp của mình. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ là tiền đề để có thể giúp cho bạn tìm được một vị trí công việc tốt hơn bên ngoài công ty và nhận được những khoản thu nhập cao hơn.

Nếu bạn đã làm việc tại một công ty được một khoảng thời gian và các sếp của bạn dường như không hứng thú với việc, giao cho bạn những trách nhiệm công việc mới, thì lúc này, việc thăng chức và tăng lương thật sự là một điều gì đó rất khó có thể xảy ra.

Có thể bạn sẽ cảm thấy rất chán nản khi nhận ra rằng, mình đang mắc kẹt trong một cuộc đua về tiền lương. Tuy nhiên hãy hiểu rằng, khi một cánh cửa này khép lại, sẽ luôn có những cánh cửa khác mở ra dành cho bạn. Khi gặp phải những dấu hiệu trên, hãy cân nhắc và mạnh dạn tìm kiếm những công việc khác, để có thể nhận được những khoản thu nhập xứng đáng hơn.

Mộc Dương
Ý kiến của bạn