New York Times chỉ ra điểm yếu "chết người" của kinh tế Trung Quốc, thiếu điện chỉ là "phần nổi của tảng băng"
Cuộc khủng hoảng điện vừa qua đã làm lộ rõ một trong những điểm yếu chiến lược của Trung Quốc: nhu cầu về năng lượng của nước này là siêu lớn, liên tục tăng lên và dường như là vô tận.
Điểm yếu chiến lược
Một nhà máy làm bánh mì không có đủ điện để nướng bánh. Một công ty hóa chất cung ứng hóa chất cho những nhà máy sơn lớn nhất thế giới thông báo cắt giảm sản lượng. Chỉ trong 1 ngày, một thành phố cảng có tới 4 lần thay đổi thông báo về quy định cung cấp điện cho các nhà máy.
Cuộc khủng hoảng thiếu điện đang ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các ngành của kinh tế Trung Quốc. Do đó, hôm qua Trung Quốc đã buộc phải thông báo sẽ đẩy mạnh khai thác than đá và tăng công suất của các nhà máy điện than dù trước đó đã cam kết sẽ cắt giảm mạnh lượng khí thải để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Một số mỏ than đá được lệnh mở cửa trở lại. Các mỏ và nhà máy điện than đóng cửa để sửa chữa trong thời gian qua cũng tái mở cửa. Các ngân hàng được lệnh bơm tín dụng cho ngành than đá. Thậm chí Trung Quốc còn đang lên dự thảo ưu đãi thuế cho các nhà máy điện than. Chính quyền trung ương cảnh báo chính quyền các địa phương cần thận trọng hơn khi đưa ra các chính sách hạn chế sử dụng năng lượng.
"Chúng tôi sẽ làm mọi cách để tăng nguồn cung và sản lượng khai thác than", Zhao Chenxin – chủ tịch Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia phát biểu trong cuộc họp báo tổ chức hôm qua.
Cuộc khủng hoảng điện vừa qua đã làm lộ rõ một trong những điểm yếu chiến lược của Trung Quốc: nhu cầu về năng lượng của nước này là siêu lớn, liên tục tăng lên và dường như là vô tận. Do phụ thuộc quá nhiều vào than đá, Trung Quốc cũng chính là nước phát thải khí thải nhà kính nhiều nhất thế giới.
Cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phụ thuộc vào những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng như thép, xi măng và hóa chất. Mặc dù Trung Quốc có nhiều nhà máy mới hiện đại và năng suất hơn so với Mỹ, lâu nay cơ chế giá điện do chính phủ kiểm soát khiến các ngành khác cũng như hầu hết các hộ gia đình cảm thấy không cần phải cải thiện.
Với mùa đông giá lạnh đang đến, khi mà Trung Quốc phải khai thác và đốt thêm nhiều than hơn, Bắc Kinh đối mặt với câu hỏi hóc búa: liệu có nên cho phép các nhà máy tiếp tục hoạt động hết công suất để phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu hay không. Nếu như muốn đảm bảo có đủ điện cho tất cả các hộ gia đình, các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng sẽ buộc phải hi sinh.
Ở thời điểm hiện tại tình hình đã được cải thiện so với cuối tháng trước, khi các nhà máy bất ngờ bị cắt điện trên diện rộng. Tuy nhiên từ ngày mai khu vực Đông Bắc Trung Quốc sẽ chính thức bước vào thời kỳ cao điểm sưởi ấm mùa đông.
Một nhà máy điện chạy bằng khí đốt đang được xây dựng ở Đông Quản, Trung Quốc. Nguồn: New York Times.
Lựa chọn khó khăn
Trung Quốc đang đứng trước những lựa chọn khó khăn. Nước này đốt số than nhiều hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại và cũng là nước tiêu thị dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau Mỹ).
Trung Quốc đã ráo riết tăng cường sử dụng khí đốt và cả năng lượng mặt trời, điện gió và thủy điện. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng điện quá lớn khiến nguồn cung không thể đáp ứng. Kể cả vận hành các nhà máy điện gió, điện mặt trời cũng cần đến lượng điện rất lớn. Trên thực tế nguồn cung điện hạn chế đã làm tăng chi phí sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc.
Nếu tình trạng thiếu điện kéo dài, Trung Quốc có thể buộc phải thay đổi mô hình kinh tế giống như những gì giá dầu tăng vọt trong những năm 1970 đã buộc khu vực Bắc Mỹ và châu Âu phải thay đổi. Các nước này phát triển những mẫu xe hơi tiết kiệm nhiên liệu hơn, tìm kiếm các nguồn nhiên liệu khác, nguồn cung năng lượng khác và chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài (mà phần lớn là sang Trung Quốc). Tuy nhiên đó là 1 quá trình kéo dài, đau đớn và đắt đỏ.
Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu điện sẽ kéo dài đến ít nhất là tháng 3 năm sau. Cho đến khi có đủ điện trở lại, các nhà máy có nguy cơ bị cắt điện và phải tạm dừng hoạt động bất cứ lúc nào. Các nhà máy ở Trung Quốc tiêu thụ lượng điện cao gấp đôi so với phần còn lại của nền kinh tế và cao hơn 10 – 30% so với các nhà máy ở phương Tây, theo Ma Jun, Giám đốc Viện Các vấn đề Công và Môi trường, một nhóm nghiên cứu ở Bắc Kinh.
Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến trong việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, bởi vì khởi điểm của họ không tốt, họ vẫn chưa thể bắt kịp phương Tây, theo Brian Motherway, chuyên gia của Tổ chức năng lượng quốc tế IEA.
Tình trạng thiếu điện gây ra nhiều rắc rối cho các nhà máy. Nhiều nhà máy lắp ráp xe hơi ở khu vực Đông Bắc được phép tiếp tục hoạt động nhưng nhà máy sản xuất lốp xe ở gần đó đã bị cắt điện. Fred Jacobs, nhân viên kinh doanh phần mềm ở Seattle (Mỹ) đã đặt 1 lô hàng từ cuối mùa hè nhưng đã nhận được tiền bồi thường vào tuần trước vì nhà máy ở Trung Quốc bị cắt điện và không thể sản xuất kịp.
"Hiện tại rủi ro tăng lên đáng kể, trước đây là vấn đề vận chuyển, giờ lại đến cả chuyện thiếu điện – điều chưa từng xảy ra với các nhà cung ứng Trung Quốc. Tôi sẽ phải mua từ các vendor Mỹ dù giá cao hơn nhiều", ông nói.
Từ năm 2016, Trung Quốc ngừng cấp phép đầu tư mỏ than mới vì lý do môi trường. Nhiều mỏ phải đóng cửa vì lý do an toàn, và lũ lụt ở thủ phủ than đá Shanxi cũng khiến ít nhất 10% số mỏ phải đóng cửa.
Tuy nhiên sau khi nguồn với nhu cầu tăng vọt sau đại dịch, giá cũng tăng vọt. Các nhà máy điện than thua lỗ vì giá than tăng quá cao, do đó họ chỉ chạy khoảng 60% công suất.
Không dễ từ bỏ điện than
Trung Quốc mong muốn thay thế điện than bằng điện mặt trời, nhưng quá trình sản xuất tấm pin cũng tiêu tốn lượng điện khổng lồ - mà chủ yếu là điện than. Giá polysilicon, nguyên liệu chính để sản xuất các tấm pin, đã tăng hơn gấp 3 chỉ trong vài tuần qua. Chi phí xây dựng các trang trại điện mặt trời ở Trung Quốc đã tăng khoảng 25% kể từ đầu năm đến nay.
Giảm lượng than đá sử dụng trong các nhà máy luyện thép cũng là 1 cách. Hiện các nhà máy thép Trung Quốc vẫn sử dụng công nghệ cũ, sử dụng các lò chạy bằng than để đốt cháy quặng sắt thành thép, trong khi hầu hết các nước phương Tây đã chuyển sang sử dụng lò điện. Trung Quốc đang cố gắng chuyển đổi, nhưng đó là 1 quá trình tốn nhiều thời gian, theo chuyên gia tư vấn Sebastian Lewis.
Giờ thì điều khiến Trung Quốc lo ngại nhất chính là mùa đông đã cận kề. Tháng 12 năm ngoái, khi rét đậm rét hại lên đến đỉnh điểm, một số thành phố đã hết than và buộc phải đóng cửa nhà máy, tắt cả đèn đường, thang máy và hạn chế sưởi ấm văn phòng. Tình trạng thiếu than vẫn xảy ra dù ở thời điểm đầu mùa đông Trung Quốc vẫn có lượng dự trữ đủ dùng trong vài tuần.
Còn năm nay, tại những tỉnh lớn nhất, lượng dự trữ chỉ đủ dùng trong 9-14 ngày, theo số liệu của CQCoal.
Tham khảo New York Times
Thu HươngTheo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.