New York Times: Sau 4 năm đầy biến động, Phố Wall lập đỉnh 'ăn mừng' khi có thể tách rời khỏi ông Trump
Trong những tuần kết thúc chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump bắt đầu nói với những người ủng hộ rằng nếu ông Joe Biden đắc cử, thì thị trường sẽ cực kỳ hỗn loạn và thậm chí là sụp đổ. Dẫu vậy, điều này lại không xảy ra.
New York Times: Sau 4 năm đầy biến động, Phố Wall lập đỉnh 'ăn mừng' khi có thể tách rời khỏi ông Trump
Phố Wall lập đỉnh mới, khi nhà đầu tư ăn mừng viễn cảnh bất ổn chính trị được chấm dứt cũng như tiến bộ trong thử nghiệm vắc-xin Covid-19. Hơn nữa, khi ngày nhậm chức đến gần, sự ảnh hưởng của ông Trump đối với nhà đầu tư dường như cũng đang giảm dần.
Nhà đầu tư có quan điểm chính trị khác nhau đều cho biết họ đã sẵn sàng bước sang một giai đoạn mới, khi thời kỳ trước đây giúp họ thu về mức lợi nhuận cao nhưng bất ổn và áp lực chính trị thường xuyên tạo áp lực lên thị trường. Trước đây, nhà đầu tư hầu hết ủng hộ chính sách của chính quyền ông Trump, được thông báo qua những dòng tweet mà họ không thể đoán trước.
Trong 4 năm qua, ông Trump đã sử dụng Twitter để chỉ trích, khen ngợi các doanh nghiệp, khiến căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang và báo hiệu về "sức mạnh" của nền kinh tế trước khi thông tin chính thức được đưa ra. Ở quãng thời gian này, tài khoản Twitter của ông trở thành "nguồn cơn" duy nhất gây biến động cho thị trường.
Barry Ritholtz – nhà quản lý tài sản tại New York, chia sẻ: "Tôi muốn cuộc sống trở lại bình thường. Ý tôi không phải là thời kỳ trước đại dịch, đó là trước khi sự kiện ông Trump bước xuống chiếc thang cuốn năm 2015 – khi đương kim Tổng thống tuyên bố tranh cử, diễn ra. Tôi chỉ muốn sự biến động giảm bớt."
Khi ông Biden trở thành Tổng thống đắc cử, Ritholtz đã lên Twitter để bỏ theo dõi càng nhiều tài khoản có liên quan đến ông Trump càng tốt. Trong những năm gần đây, Twitter của Ritholtz có rất nhiều chia sẻ của những tài khoản như các con và quan chức báo chí của ông Trump. Ông cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải theo dõi từng lời nói của họ khi quản lý khoảng 1,7 tỷ USD tài sản.
Vị tổng thống khác biệt
Các tổng thống và nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ thường không tập trung sự chú ý vào các công ty riêng lẻ, ít nhất là trước công chúng. Năm 1962, lo ngại về lạm phát gia tăng, Tổng thống John F. Kennedy đã công khai chỉ trích các giám đốc điều hành ngành thép về việc tăng giá. Tại một cuộc họp báo, ông đã chỉ đích danh US Steel về hành động trên. Diễn ra sau mối đe dọa về các cuộc điều tra chống độc quyền, động thái này đã khiến nhà đầu tư hoảng sợ và đẩy thị trường rơi vào tình trạng sụt giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, ngay cả khi việc đầu tư cổ phiếu trở nên phổ biến hơn, các tổng thống như Ronald Reagan và Bill Cliton, đều tránh bình luận trực tiếp về các doanh nghiệp hoặc TTCK, dù 2 người đều lãnh đạo nước Mỹ trong thời kỳ TTCK tăng trưởng bùng nổ.
Ông Trump thì trái ngược hoàn toàn. Gần như ngay từ khi đắc cử, ông đã coi TTCK như một loại phong vũ biểu thời gian thực trị giá hàng tỷ USD cho nhiệm kỳ của mình. Kể từ khi nhậm chức, ông đã đăng tải một loạt dòng tweet liên quan đến TTCK hơn 200 lần và đưa ra nhiều tuyên bố cho thấy TTCK tăng trưởng dưới sự lãnh đạo của ông.
Khi thị trường lao dốc, ông nêu nguyên nhân là do những người mà ông coi là đối thủ chính trị, trong đó có Fed, đảng viên Dân chủ trong Quốc hội và các phương tiện truyền thông. Ông cũng công khai đe dọa, kích động các công ty lớn của Mỹ, chỉ trích Amazon về vấn đề thuế và các thỏa thuận với Bưu điện Mỹ, mâu thuẫn với nhiều công ty khác như General Motors, Ford, Carrier, Lockheed Martin và Boeing.
Ngoài ra, ông cũng tiết lộ những thông tin khiến diễn biến thị trường thay đổi sau các cuộc thảo luận riêng với các giám đốc điều hành và nói đến số liệu kinh tế trước khi được chính thức công bố. Ông đã yêu cầu Fed hạ lãi suất để hỗ trợ thị trường, "tuyên chiến" về vấn đề thương mại với Trung Quốc trong một loạt dòng tweet bất ngờ, khiến TTCK nhiều lần lao đao.
B. Dan Wood – giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Texas A&M, nhận định: "Ông Trump nhắc đến TTCK rất nhiều. Tôi nghĩ không có vị tổng thống nào và có khả năng là cả các tổng thống trong tương lai nào nhấn mạnh về thị trường nhiều như ông ấy."
Ông Trump tweet, thị trường chấn động
Sự tập trung của ông Trump vào TTCK đã khiến các nhà quản lý tài sản, chủ ngân hàng, nhà phân tích, cố vấn đầu tư và các chuyên gia khác của Phố Wall đều phải theo dõi "nhất cử nhất động" của tổng thống trên Twitter.
"Chuyến đi" của TTCK đã rất khó khăn ngay từ đầu. Vào buổi tối ông Trump đắc cử năm 2016, TTCK tương lai đã giảm 5% khi nhà đầu tư vẫn đặt cược vào chiến thắng của bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, thị trường cũng không mất nhiều thời gian để hồi phục sau cú sốc đó khi họ thấy rằng sự kiểm soát được thống nhất của đảng Cộng hòa ở Washington.
Năm 2017, S&P 500 đã tăng 19,4%, khi Tổng thống Trump ký ban hành luật cắt giảm thuế vào tháng 12. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng động thái này là tuyên bố đáng tin cậy nhất của chính quyền ông Trump đối với đà tăng của TTCK.
Nhưng đến đầu năm 2018, cách tiếp cận hoạch định chính sách của ông Trump đã có tác động khác rất nhiều. Thị trường liên tục lao dốc sau khi ông Trump bắt đầu thảo luận về việc nâng thuế với các đối tác thương mại toàn cầu như Trung Quốc và châu Âu. Phố Wall giảm 10% trong quý 1 năm đó và mất gần 20% trong quý IV. Ngoài ra, thị trường cũng chứng kiến những phiên biến động mạnh khi ông Trump khơi mào cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Trong suốt năm 2019, những thông điệp rời rạc của ông trên Twitter tiếp tục khiến nhà đầu tư xôn xao, dù thị trường đã tăng 29% trong năm nhờ Fed bỏ kế hoạch tăng lãi suất. Ngay cả giữa thời điểm đại dịch bùng phát, những chia sẻ của ông Trump cũng khiến nhà đầu tư lo lắng. Ví dụ, hôm 6/10, ông đột ngột tuyên bố sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán về gói kích thích tài chính mới với các đảng viên Dân chủ, khiến thị trường ngay lập tức sụt giảm mạnh.
Diễn biến của Phố Wall trong thời gian sắp tới
Nhìn chung, nhà đầu tư đã ghi nhận thời kỳ khởi sắc trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump, dù vẫn xảy ra những cuộc tranh luận về việc liệu thị trường diễn biến tích cực có phải nhờ sự hiện diện của ông Trump hay không. Sự không chắc chắn và những cú sốc đối với thị trường đến từ cách tiếp cận tự do của ông có thể là "cơn lốc" cho TTCK. Nhưng việc cắt giảm thuế gần như chắc chắn là điều tích cực cho thị trường.
Jason DeSena Trenert – chiến lược gia đầu tư tại Strategas Research Partners và là người ủng hộ ông Trump, nhận định: "Thị trường sẽ còn tăng mạnh hơn nữa nếu ông ấy không tham chiến với Trung Quốc. Nhưng nếu không, tôi nghĩ khó để ông ấy được thị trường tín nhiệm".
Trong khi các chuyên gia tranh luận về tác động trực tiếp của ông Trump với TTCK, thì sự hiện diện quá lớn của ông đã ngày càng gắn liền vấn đề chính trị với tâm lý nhà đầu tư. Paul Schatz – quản lý khoảng 90 triệu USD tài sản, cho biết: "Chắc chắn, khách hàng đã quan tâm đến chính trị nhiều hơn 4 năm trước, trong suốt 30 năm làm nghề của tôi."
Nhưng hiện tại, khi Mỹ đang chứng kiến quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền ông Biden, thì nhà đầu tư gần như sẽ chắc chắn không phải lo ngại về một dòng tweet bất ngờ của ông Trump. Dù một số ít lo lắng rằng ông có thể tạo những cú sốc mới trước khi rời Nhà Trắng, thì nhiều người khác kỳ vọng rằng thị trường sẽ đón nhận "làn gió mới" vào ngày 20/1/2021.
Tham khảo New York Times
Lục LamDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.