Nga cảnh báo chỉ cung cấp lương thực và nông sản cho 'cho bạn bè'
Với tư cách là nhà cung cấp lúa mì quan trọng cho các thị trường thế giới, Nga sẽ xem xét lại nguồn cung cấp thực phẩm và nông sản, đưa ra một số quy tắc đơn giản nhưng quan trọng liên quan đến an ninh lương thực tại đây.
Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Bảo an Nga vừa tuyên bố rằng Nga sẽ chỉ cung cấp lương thực cho các nước "thân thiện" trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây áp đặt lên Nga.
Ông Medvedev tuyên bố, Nga với tư cách là nhà cung cấp lúa mì quan trọng cho các thị trường thế giới, sẽ "xem xét lại nguồn cung cấp thực phẩm và nông sản, đưa ra một số quy tắc đơn giản nhưng quan trọng liên quan đến an ninh lương thực ở Nga".
Ông Medvedev nói: "Chúng tôi sẽ chỉ cung cấp thực phẩm và nông sản cho bạn bè của chúng tôi. May mắn thay, chúng tôi có rất nhiều bạn bè, nhưng không phải ở châu Âu hay Bắc Mỹ."
Nga đã cung cấp lúa mì chủ yếu cho châu Phi và Trung Đông. Liên minh châu Âu và Ukraine là những đối thủ cạnh tranh chính trong thương mại lúa mì.
Ông Medvedev cho biết ưu tiên trong cung cấp lương thực là thị trường nội địa của Nga và kiểm soát giá cả trong đó. Nga đã sử dụng hạn ngạch và thuế xuất khẩu ngũ cốc từ năm 2021 để cố gắng ổn định lạm phát lương thực cao trong nước.
Nguồn cung cấp nông nghiệp cho "bạn bè" sẽ được thanh toán bằng đồng rúp và tiền tệ quốc gia của họ theo tỷ lệ đã thỏa thuận, ông Medvedev cho hay.
Tiền tệ thanh toán có thể khác nhau trong từng hợp đồng xuất khẩu ngũ cốc tùy theo nhu cầu của người mua và người bán. Phát ngôn của ông Medvedev được đưa ra sau khi Nga yêu cầu người mua nước ngoài thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp trong thời gian gần đây.
Nga đã cấm hầu hết nhập khẩu thực phẩm của phương Tây vào năm 2014 khi sáp nhập Crimea từ Ukraine nhưng có thể mở rộng danh sách này hơn nữa vào thời điểm hiện tại, ông Medvedev nói thêm.
Trong khi đó, Chính phủ Liên bang Nga thông báo cấm xuất khẩu hướng dương và hạt cải dầu từ ngày 1/4.
Các chuyên gia lo ngại rằng kết quả của cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine sẽ khiến giá lương thực trên thế giới tăng mạnh. Ukraine từng là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì chính, sang các nước châu Á, châu Phi và Trung Đông. Hiện tại, Nga đang phong tỏa các cảng của Ukraine trên Biển Đen và Biển Azov, nơi có một lượng lớn ngũ cốc xuất khẩu đi qua.
Cách đây 1 tuần Bộ trưởng nông nghiệp Ukraine Roman Leshchenko trước khi từ chức đã cảnh báo rằng diện tích vụ xuân ở Ukraine có thể giảm hơn một nửa. Chỉ có 7 triệu ha có thể canh tác so với 15 triệu ha dự kiến ban đầu. Đối với ngô gieo sạ, năm nay - theo Leshchenko - sẽ có diện tích 3,3 triệu ha, so với 5,4 triệu ha vào năm 2021.
Công ty tư vấn nông nghiệp Ukraine APK-Inform vào cuối tuần này cho biết xuất khẩu lúa mì sẽ không vượt quá 18,3 triệu tấn trong mùa này và chỉ 200.000 tấn mặt hàng này có thể được bán từ tháng 3 đến tháng 6.
Ukraine đã đình chỉ xuất khẩu lúa mạch đen, yến mạch, kê, kiều mạch, muối, đường, thịt và gia súc, đồng thời cấp giấy phép xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu hướng dương.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu hôm thứ 3 (29/3) rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có nguy cơ gây ra nạn đói ở các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố một giấy phép chung mới vào ngày 24/3, trong đó loại bỏ các loại phân bón của Nga khỏi các lệnh trừng phạt có thể xảy ra. Động thái mới này được cho nhằm mục đích bảo vệ nông dân Mỹ khỏi tình trạng thiếu hụt các sản phẩm hóa chất do giá lương thực tại nước này tiếp tục tăng cao.
Giấy phép cũng tạo điều kiện cho các giao dịch liên quan đến xuất khẩu và tái xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, bị cấm vào tháng trước bởi "Các lệnh trừng phạt do hoạt động gây hại ở nước ngoài của Nga" từ Washington.
Danh sách các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp hiện được miễn lệnh trừng phạt bao gồm thực phẩm cho người, động vật sống, vitamin và khoáng chất, phụ gia thực phẩm và chất bổ sung, hạt giống cây lương thực, phân bón và vật liệu tái sản xuất.
Danh sách miễn trừ cũng bao gồm thuốc, thiết bị y tế, phần mềm cập nhật và các bộ phận thay thế cho thiết bị y tế, đặc biệt là liên quan đến Covid-19. Các nhà phân tích cho rằng EU có thể sẽ sớm đề xuất một kế hoạch tương tự.
Khánh VyBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.