Nga đầu tư gần 1 tỷ USD vào Việt Nam, còn Ukraine thì sao?

Tài chính - Đầu tư
09:21 AM 01/03/2022

Nga đầu tư vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng còn Ukraine đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến, chế tạo và khoa học công nghệ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 2/2022, tổng vốn đăng ký các dự án đầu tư trực tiếp của Nga tại Việt Nam đạt 953 triệu USD với 151 dự án, xếp thứ 24 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Ukraine đầu tư 30,03 triệu USD với 26 dự án vào Việt Nam, đứng ở vị trí thứ 69 trong số các nước và vùng lãnh thổ.

Đối với lĩnh vực đầu tư, Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng. Trong đó, thăm dò và khai thác dầu khí đang là một yếu tố quan trọng trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nga. Trong số các dự án đầu tư, doanh nghiệp Nga-Việt Vietsovpetro là công ty lớn thứ 8 ở Việt Nam và sản xuất 1/3 lượng dầu của cả nước.

Trong năm 2021, tổng doanh thu từ hoạt động dầu khí của Vietsovpetro đạt hơn 1,684 tỷ USD, đạt 149% kế hoạch của năm. Trong đó, riêng phần thu ngân sách nhà nước đạt 922 triệu USD, vượt 317 triệu USD so với kế hoạch được giao.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga là Novatek đã kết hợp với tỉnh Ninh Thuận để phát triển dự án sản xuất năng lượng NLG (khí tự nhiên hóa lỏng trọng tải thấp) tích hợp tại Việt Nam. Không chỉ vậy, các tập đoàn dầu khí lớn như Gazprom và Rosneft của Nga dự kiến tham gia vào nhiều dự án tại Việt Nam vào năm 2030.

Một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Nga tại Việt Nam là công ty điện tử ROSTEC đã và đang mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực dân sự khác như chăm sóc sức khỏe, ô tô và công nghệ nông nghiệp.

Hiện nay, một số dự án được Nga đầu tư đang bị chậm kế hoạch do vướng lệnh cấm vận. Một trong số các dự án đó là dự án Nhiệt Điện Long Phú 1 (tổng công suất 1.200MW) đầu tư bởi Power Machines (Nga), dự án điện khí Quảng Trị (340MW) do Gazprom (Nga) tham gia đầu tư và dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (công suất 1.000MW) kết hợp đầu tư giữa liên doanh Zarubezhneft JSC (Nga) và DEME Concessions (Bỉ).

Theo đánh giá của VnDirect, những dự án điện và dầu khí mà Nga đầu tư vào Việt Nam đều có quy mô nhỏ và đang dừng lại ở giai đoạn thăm dò tìm kiếm và chưa được triển khai tiếp. Do đó việc ngưng trệ khai thác không ảnh hưởng nhiều đến quy mô của của ngành.

Xét về khía cạnh thương mại, Nga và Việt Nam là đối tác thương mại trong nhiều năm qua. Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương), Việt Nam đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga năm 2021. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD tăng 38,3% và kim ngạch nhập khẩu đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ. Cùng với đó, Việt Nam xuất siêu sang Nga đạt 2,65 tỷ USD.

Đối với Ukraine, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ukraine trong năm 2021 đạt 720 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng chỉ chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam nhập siêu từ Ukraine đạt 30 triệu USD.

Các dự án mà Ukraine đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến, chế tạo và khoa học công nghệ. Hợp tác khoa học – công nghệ là một trong những lĩnh vực có nhiều triển vọng giữa hai nước. Một trong số các dự án đó là hợp tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mẫu khinh khí cầu có điều khiển với hình dạng tối ưu và dự án cơ sở địa lý học trong quản lý và khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường theo lưu vực sông phục vụ mục đích phát triển bền vững.

Trên thực tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ukraine hay Nga chỉ vào khoảng 7,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2021. Điều này chứng tỏ kim ngạch xuất nhập khẩu, giao thương kinh tế của Việt Nam với các nước như Nga, Ukraine ở mức nhỏ so với tổng kim ngạch của Việt Nam.

Minh Tiến
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.