Nga ở đâu trên bản đồ dầu mỏ thế giới?
Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai trên thế giới sau Saudi Arabia. Năm 2019, 48 quốc gia đã mua dầu thô của Nga, trị giá 123 tỷ USD. Dầu Nga chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam.
Giá dầu đã tăng kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, ngày 24 tháng Hai. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đẩy giá dầu tăng lên khoảng 140 USD/thùng, có khả năng sẽ còn lên cao nữa, kéo theo giá xăng còn cao hơn thế.
Vào năm 2019, thế giới tiêu thụ 99,7 triệu thùng dầu mỗi ngày (mbpd), theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Riêng Mỹ tiêu thụ khoảng 1/5 (20,48 mbpd) lượng dầu tiêu thụ hàng ngày của thế giới, tiếp theo là Trung Quốc (13,07 mbpd) và Ấn Độ (4,84 mbpd).
Venezuela (303.806 triệu thùng), Ả Rập Saudi (258.600 triệu thùng) và Iran (208.600 triệu thùng) chiếm một nửa trong tổng số 1,55 nghìn tỷ thùng trữ lượng dầu đã kiểm chứng của thế giới.
Những nước có nhiều dầu nhất thế giới.
Nước nào sản xuất nhiều dầu nhất?
Trung tâm sản xuất dầu của thế giới là OPEC - Tổ chức của các nước xuất khẩu dầu mỏ. Được thành lập tại Baghdad, Iraq vào năm 1960, tổ chức đa quốc gia này bao gồm 13 quốc gia sở hữu chung khoảng 80% trữ lượng dầu thô đã được kiểm chứng của thế giới.
Bên ngoài OPEC, những nước có trữ lượng dầu nhiều nhất bao gồm Nga và Mỹ.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, các nước thành viên OPEC sản xuất khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới và chiếm khoảng 60% tổng lượng xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế.
Năm 2020, 10 nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Mỹ (18,61 mbpd), Saudi Arabia(10,81 mbpd), Nga (10,5 mbpd), Canada (5,23 mbpd) và Trung Quốc (4,86 mbpd).
Những nước sản xuất nhiều dầu nhất thế giới
Dầu thô được sản xuất và sử dụng như thế nào?
Xăng, dầu diesel và nhiều loại nhiên liệu khác được sản xuất từ dầu thô - một loại nhiên liệu hóa thạch có màu đen vàng được bơm lên từ lòng đất. Nhiều sản phẩm gia dụng, bao gồm nhựa, chất tẩy rửa và quần áo cũng có nguồn gốc từ nguồn tài nguyên không thể tái tạo.
Giá dầu thô gia tăng có tác động đến một số ngành công nghiệp, từ vận tải đến sản xuất.
Dầu thô được phân loại theo độ dày (nặng, trung bình và nhẹ) và hàm lượng lưu huỳnh (ngọt - ít lưu huỳnh, chua - cao lưu huỳnh). Dầu thô ngọt nhẹ là loại cao cấp nhất, dễ dàng tinh lọc với chi phí rẻ hơn các loại dầu khác, khiến cho loại dầu này được săn lùng nhiều nhất.
Quá trình chế biến dầu thô thành các sản phẩm dầu.
Dầu Brent và WTI là hai loại tiêu chuẩn cho thị trường dầu thô ngọt nhẹ toàn cầu. Dầu Brent được khoan ngoài Biển Bắc giữa Vương quốc Anh và Na Uy, trong khi dầu WTI (West Texas Intermediate) được khai thác từ các mỏ dầu của Mỹ.
Một khi dầu đã được chiết xuất và vận chuyển đến các nhà máy lọc dầu khác nhau, nguyên liệu đó phải được đun nóng trong lò sau đó chưng cất thành các loại nhiên liệu và sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm nhẹ hơn bao gồm khí dầu mỏ lỏng yêu cầu nhiệt độ thấp hơn để chiết xuất, trong khi các sản phẩm nặng nhất, bao gồm nhựa đường, được chiết xuất ở nhiệt độ cao hơn nhiều.
Những quốc gia nào phụ thuộc nhiều nhất vào dầu của Nga?
Năm 2019, các nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Saudi Arabia (145 tỷ USD), Nga (123 tỷ USD), Iraq (73,8 tỷ USD), Canada (67,8 tỷ USD) và Mỹ (61,9 tỷ USD). Như vậy, Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới ở thời điểm đó.
Trung Quốc đã mua khoảng một phần tư (27%) tổng kim ngạch xuất khẩu dầu của Nga trị giá 34 tỷ USD. Tuy nhiên, do nhu cầu năng lượng lớn của Trung Quốc, lượng dầu này chỉ chiếm 16% lượng dầu nhập khẩu của nước này.
Ít nhất 48 quốc gia đã nhập khẩu dầu thô của Nga trong năm 2019. Các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào dầu của Nga bao gồm: Belarus, Cuba, Curacao, Kazakhstan, Latvia - mỗi nước nhập khẩu hơn 99% lượng dầu thô của họ từ Nga.
Đối với Việt Nam, năm 2019, Nga cung cấp 0,62% (54.546 tấn) tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam. Những năm tiếp theo, tỷ trọng xăng dầu Nga nhập khẩu vào Việt Nam trung bình hàng năm cũng không nhiều.
Hình dưới đây cho thấy tổng lượng dầu thô nhập khẩu của mỗi quốc gia đến từ Nga.
Những nước phụ thuộc nhiều nhất vào dầu Nga
Lệnh cấm đối với dầu của Nga có nghĩa là gì?
Sau khi Nga tấn công quân sự vào Ukraine, một số quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Cuộc chiến năng lượng sau đó đã khiến giá dầu đạt mức cao chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Hôm thứ Ba (8/3), Mỹ và Anh đã công bố lệnh cấm nhập khẩu xăng dầu của Nga. Năm 2021, Mỹ nhập khẩu trung bình 209.000 thùng/ngày dầu thô và 500.000 thùng/ngày các sản phẩm dầu mỏ khác từ Nga, theo Hiệp hội thương mại các nhà sản xuất nhiên liệu và hóa dầu Mỹ. Con số đó tương đương 3% tổng nhập khẩu dầu thô của Mỹ và 1% tổng lượng dầu thô do các nhà máy lọc dầu của Mỹ chế biến. Đối với Nga, con số này chiếm 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Theo các nhà phân tích, với mức độ phụ thuộc đó, Mỹ có đủ khả năng thực hiện lệnh cấm này mà không khiến thị trường xăng dầu nội địa quá biến động.
Đầu tuần qua, giá dầu thô Brent đã tăng lên trên 140 USD/thùng trước khi quay trở lại mốc 120 USD.
Với các lệnh trừng phạt cứng rắn vào lĩnh vực năng lượng của Nga, tác động sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới khi giá năng lượng tăng trong một môi trường vốn đã lạm phát.
Giá dầu tăng vọt do cuộc chiến ở Ukraine.
Tham khảo: AL JAZEERA
Vũ Ngọc DiệpTheo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 24,77 tỷ USD.