Ngân hàng ACB kinh doanh ra sao trong thời Chủ tịch Trần Hùng Huy?
Chủ tịch Trần Hùng Huy hiện đang nắm giữ 115,73 triệu cổ phiếu của ngân hàng ACB, có giá trị khoảng 2.517 tỷ đồng.
Ngân hàng Á Châu (ACB) là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần với hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch trải dài với hơn 13.000 nhân viên.
Tính đến cuối năm 2022, ACB có 90 chi nhánh và 294 phòng giao dịch, tổng cộng 384 đơn vị, hiện diện trên 49 tỉnh thành trong số 63 tỉnh thành cả nước. Các chi nhánh và phòng giao dịch của ACB được phân bổ chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trong GALA kỷ niệm 30 năm thành lập của Ngân hàng Á Châu (ACB) tối 4/6, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy đã gây bất ngờ cho rất nhiều người khi vừa đàn, hát, nhảy trình diễn ca khúc "Always Remember Us This Way" và "Cô đơn trên Sofa".
Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978, là người trẻ nhất trong dàn lãnh đạo của ACB. Ông giữ chức Chủ tịch ACB từ tháng 9/2012 khi mới 34 tuổi và đảm nhiệm vị trí này trong hơn 10 năm qua.
Chủ tịch Trần Hùng Huy hiện đang nắm giữ 115,73 triệu cổ phiếu của ngân hàng này. Tính theo thị giá, trị giá số cổ phiếu trên rơi vào khoảng 2.517 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính cho hoạt động kinh doanh 3 tháng đầu năm nay của ngân hàng ACB, thu nhập lãi thuần ghi nhận tăng trưởng 14,2% đạt 6.215 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng trưởng 44% đạt 438 tỷ đồng; mảng chứng khoán kinh doanh mang về 43 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 11 tỷ đồng.
Kết thúc quý đầu năm nay, lợi nhuận quý 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ 2022 và đạt 26% so với kế hoạch cả năm; tăng trưởng huy động hợp nhất 2,1% so với cuối năm 2022; CAR là 13,1%.
Tín dụng trong tháng 3/2023 tăng trưởng 2,2% so với tháng 2. Đây là sự khôi phục sau khi tín dụng 2 tháng đầu tiên suy giảm.
Nợ xấu của ACB đã tăng nhẹ lên 0,84 từ mức 0,74% cuối năm 2022. Tuy nhiên, điều này cũng đã được ACB lường trước được khó khăn và ngân hàng cũng đã có phương án để kiểm nợ xấu ở mức dưới 1%. Nợ xấu của ngân hàng tăng trong kỳ chủ yếu do nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng lần lượt gấp đôi và gấp 2,5 lần so với thời điểm 31/1.
Trong danh mục dư nợ của ACB chiếm đến 65% cho vay khách hàng cá nhân, 30% là doanh nghiệp SME. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của các nhóm này luôn thấp.
Mảng thẻ được ACB đặt kỳ vọng khi các mảng khác gặp khó khăn. Quý 1/2023 ghi nhận tốc độ tăng trưởng thẻ quốc tế là 78% so với 34% của toàn ngành và đang chiếm 8,1% thị phần thẻ quốc tế.
ACB đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2023 đạt 668.788 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi mục tiêu đạt 495.411 tỷ đồng (bao gồm giấy tờ có giá) và dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,1% và 9,7%. Mức tăng hạn mức tín dụng thực tế sẽ được điều chỉnh khi được NHNN cấp bổ sung). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế ACB đề ra cho năm 2023 là 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022.
Nhật HàGiá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (14/11) sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.