Ngân hàng chạy đua tăng vốn: Big4 vẫn gặp khó

Ngân hàng
10:35 AM 18/08/2020

Hiện nhóm 4 ông lớn gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn đang chờ phê duyệt kế hoạch tăng vốn trong năm 2020.

Việc tăng thêm vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn vốn kinh doanh, từ đó tăng khả năng sinh lời. Tuy nhiên, không phải cứ muốn là có thể thực hiện được ngay.

Thực tế, việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường chứng khoán và ngân hàng có tìm được nhà đầu tư phù hợp hay không. Hiện nay, trong bối cảnh thị trường có khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động thêm vốn của ngân hàng không dễ dàng như trước.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, các ngân hàng vốn nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agibank đều gặp khó khăn trong việc tăng vốn so với các ngân hàng tư nhân do cần sự phê duyệt của nhiều cấp thẩm quyền hơn.

Gian nan chuyện tăng vốn cho 4 "ông lớn" ngân hàng

Câu chuyện tăng vốn tại nhóm "big 4" ngân hàng này bắt đầu đặt ra căng thẳng từ năm 2016, khi Bộ Tài chính từ chối kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và yêu cầu phải trả bằng tiền mặt về nộp ngân sách.

Tại "ông lớn" Vietcombank và BIDV câu chuyện tăng vốn có vẻ "dễ thở" hơn nhiều so với Agribank và Vietinbank.

Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2020, Vietcombank lên kế hoạch sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2018 với tỉ lệ 18%, đồng thời phát hành cổ phiếu riêng lẻ với qui mô 6,5% vốn điều lệ chào bán cho nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính. Nếu hai kế hoạch này hoàn tất, vốn điều lệ của Vietcombank có thể tăng thêm hơn 9.000 tỷ đồng, lên tối đa ở mức 46.176 tỷ đồng.

Tương tự, trong ĐHĐCĐ hồi tháng 3, cổ đông BIDV cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 6.230 tỷ đồng (tương ứng tăng 15,5%) lên 46.432 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần phổ đông để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Trong đó, BIDV dự kiến phát hành hơn 281,5 triệu cổ phiếu để trả toàn bộ cổ tức năm 2019, tương đương với mức chi trả là 7%. Đồng thời, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng gần 341,5 triệu cổ phần, tương đương 8,5% vốn điều lệ hiện tại. Thời gian phát hành dự kiến trong quí III đến quí IV/2020.

Ngân hàng chạy đua tăng vốn: Big4 vẫn gặp khó - Ảnh 1.

Đối với Vietinbank, tuy đã đáp ứng các điều kiện theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, vốn điều lệ của Ngân hàng không được bổ sung thêm, nên đến nay vẫn chưa hoàn tất được Basel II.

Hiện tại, tỷ lệ an toàn toàn vốn (CAR) của VietinBank hiện vẫn tuân thủ quy định hiện hành của NHNN tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, nhưng với năng lực vốn có phần hạn chế này, VietinBank đang đứng trước thách thức lớn khi vừa phải đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải đảm bảo yêu cầu tỷ lệ CAR tối thiểu theo chuẩn Basel II.

Trong nhiều năm nay, vốn điều lệ của VietinBank không được bổ sung thêm. Theo nhận định của Chủ tịch HÐQT VietinBank Lê Ðức Thọ tại Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên 2020 vừa qua, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng nói chung, VietinBank nói riêng có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế, đón đầu các cơ hội mới.

Tương tự, nhiều năm qua, Agribank chưa được đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Vốn điều lệ của Agribank hiện ở mức 30.591 tỷ đồng.

Khác với 3 "ông lớn" trên, Agribank là NHTM do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỉ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm.

Mới đây, việc Agribank đề xuất bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ thu hút sự quan tâm đặc biệt khi Chính phủ trình Quốc hội phương án xem xét thông qua việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc Agribank từng cho biết, trường hợp Agribank không tăng vốn thêm 3.500 tỷ đồng trong năm 2020 thì ngân hàng sẽ phải giảm dư nợ cho vay xuống còn 4,5-5%, nghĩa là phải giảm dư nợ cho vay nền kinh tế 60.000 tỷ đồng. Hàng chục ngàn khách hàng sẽ không có cơ hội tiếp cận vốn. 

Theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, không được tăng vốn trong năm 2020, Agribank phải giảm tới 170.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng trong khi nhu cầu vay vốn hiện tại là rất lớn, nhiều dự án quan trọng đang trong tiến độ giải ngân.

Ngân hàng cổ phần tư nhân dồn dập lên kế hoạch tăng vốn

Ngân hàng chạy đua tăng vốn: Big4 vẫn gặp khó - Ảnh 2.

Mới đây nhất, NHNN chấp thuận việc ACB tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỷ đồng lên 21.615 tỷ đồng. BacABank cũng được chấp thuận tăng vốn từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm 58,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, với tỉ lệ chia là 9,0%.

Từ nay đến cuối năm, Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ năm 2020 lên 35.049 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 4,7 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thực hiện trong quý III hoặc quý IV năm nay.

Còn Nam A Bank sẽ chào bán cho cổ đông hiện hữu gần 44 triệu cổ phần và chào bán riêng lẻ hơn 50 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng.

TPBank cũng được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 19%, từ 8.566 tỷ đồng lên 10.199 tỷ đồng bằng phương án trả cổ tức cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Tương tự, VietBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ mức 4.190 tỷ đồng lên gần 4.819 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 4 ngân hàng đã tăng vốn điều lệ gồm MB, OCB, SHB và LienVietPostBank.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng có kế hoạch nâng vốn bao gồm SCB, VietA Bank,…

Lê Tuấn
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.