Ngân hàng chính sách Phú Thọ: Nợ quá hạn chiếm 0,11%/tổng dư nợ

Địa phương
05:18 PM 12/10/2022

Trong 9 tháng năm 2022, Ngân hàng chính sách tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo sự chỉ đạo của Chính Phủ, Thống đống ngân hàng nhà nước, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo báo cáo, tính đến ngày 30/9/2022, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh đạt 5.208.179 triệu đồng, tăng 448.005 triệu đồng so với cùng kỳ và tăng 413.854 triệu đồng (tốc độ tăng trưởng 8,63%) so với năm 2021. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 91.496 triệu đồng, hoàn thành 100,19% KH năm, tăng 15.173 triệu đồng so với năm 2021, đạt 101,15% KH tăng trưởng năm 2022.

Ngân hàng chính sách Phú Thọ: 9 tháng đầu năm nợ quá hạn chiếm 0,11%/tổng dư nợ - Ảnh 1.

9 tháng nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,11%/tổng dư nợ.

Trong đó, nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách địa phương chuyển sang trong năm tăng 10.250 triệu đồng. Nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân và qua Tổ TK&VV đạt 764.672 triệu đồng, đạt 97,99% kế hoạch năm, tăng 24.352 triệu đồng, hoàn thành 60,88% kế hoạch tăng trưởng năm.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 30/9/2022 đạt 5.199.138 triệu đồng, tăng 410.288 triệu đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 8,57% so với năm 2021, hoàn thành 88,9% KH tăng trưởng tín dụng năm (tổng KH tăng trưởng tín dụng năm là 461.500 triệu đồng).  

Đặc biệt, về tín dụng vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ: Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3036/UBND-KH ngày 05/8/2022 về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025 tỉnh Phú Thọ và Kế hoạch số 3666/KH-UBND ngày 21/9/2022 về Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2022 tỉnh Phú Thọ. Ban Dân tộc tỉnh đang phối hợp các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện thực hiện các nội dung công việc để triển khai, thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Ngân hàng chính sách Phú Thọ: 9 tháng đầu năm nợ quá hạn chiếm 0,11%/tổng dư nợ - Ảnh 2.

Trong 9 tháng, nợ quá hạn là 5.758 triệu đồng (có 320 hộ NQH), tăng 517 triệu đồng so với năm 2021, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,11%/tổng dư nợ; bằng tỷ lệ nợ quá hạn năm 2021. Nợ khoanh là 346 triệu đồng (có 15 hộ khoanh), chiếm tỷ lệ 0,007%/ tổng dư nợ, tăng 326 triệu đồng so với năm 2021.

Để tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách 3 tháng cuối năm, Ngân hàng CSHX tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, các ban, ngành, chính quyền các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, đồng thời thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh. 

Ngân hàng chính sách Phú Thọ: 9 tháng đầu năm nợ quá hạn chiếm 0,11%/tổng dư nợ - Ảnh 3.

NHCS tỉnh tặng quà cho các thương, bệnh binh nhân ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam 27/7.

Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác nhận nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện chuyển sang từ nay đến cuối năm 2022; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị bố trí dự toán chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2023 sang NHCSXH.

Tăng cường công tác tự kiểm tra của cán bộ và các Phòng giao dịch huyện, nhất là nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong xét duyệt bộ hồ sơ vay vốn trước khi giải ngân và sau khi cho vay. Chú trọng đến những món vay được hưởng hỗ trợ lãi suất và các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Tăng cường kiểm soát tốt phát sinh nợ quá hạn, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ quá hạn so với năm 2021 để đến cuối năm toàn tỉnh đạt tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,1% trở xuống.

Thu Hường
Ý kiến của bạn