Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ: Hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2021
Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo phòng giao dịch thực hiện tốt chương trình tín dụng. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh và đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo công tác năm 2021 của Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ cho thấy, các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực cố gắng để hoàn thành các mục tiêu được giao.
Trong năm 2021, Ngân hàng CSXH tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp nên nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đã hoàn thành 100% kế hoạch được giao; tăng trưởng tín dụng đạt 370,27 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đặc biệt, trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát mạnh, phải thực hiện giãn cách xã hội, các phòng giao dịch đã năng động ứng phó, thực hiện tốt các quy định của Chính phủ, địa phương trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tín dụng chính sách cũng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã tác động trực tiếp đến thu nhập, sinh kế của nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các hộ chính sách khác. Trong số đó, có không ít đối tượng là khách hàng vay vốn của Ngân hàng CSXH, và đã làm ảnh hưởng đến tích lũy, kế hoạch trả nợ, trả lãi hàng tháng của hộ vay.
Với quyết tâm vượt qua khó khăn, chia sẻ cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác phối hợp với các ngành có liên quan để thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao.
Với những nỗ lực đạt được, tính đến hết ngày 30/11, tổng nguồn vốn hoạt động là 4.783,33 tỷ đồng tăng 349,35 tỷ đồng so với năm 2020. Đồng thời, doanh số cho vay trong 11 tháng của năm 2021 đạt 1.384 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Doanh số thu nợ trong năm đạt 1.038 tỷ đồng, chiếm 75% doanh số cho vay. Tổng dư nợ đến 30/11/2021 là 4.774,31 tỷ đồng, tăng 346,04 tỷ đồng (tăng trưởng 7,81%) so với cuối năm 2020, hoàn thành 93,46% kế hoạch tăng trưởng năm; có 111.557 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Đây là thành tích đáng ghi nhận trong điều kiện giao dịch gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đạt ở mức khá cao đã phản ánh sinh động sự quyết tâm trong lãnh đạo, điều hành của Ngân hàng CSXH tỉnh.
Đặc biệt, trong năm 2021, thực hiện Nghị Quyết của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, NHCSXH tỉnh đã thực hiện cho vay 18 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 18 lượt người sử dụng vay vốn. Thực hiện Quyết định số 1990/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã giảm lãi gần 10 tỷ đồng trong vòng 3 tháng cho các hộ vay vốn đối với các chương trình tín dụng chính sách. Qua đó, có thể nói tín dụng chính sách là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, để từ đó quan tâm, tạo điều kiện cho NHCSXH tập trung huy động, tạo lập được nguồn vốn lớn từ trong nước, ngoài nước, và tích cực khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn.
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ tháng cuối của năm 2021, lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ tích cực chỉ đạo các phòng giao dịch tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép và đảm bảo "lao động giỏi, lao động an toàn".
Đặc biệt là đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu đã thông báo; chủ động, linh hoạt trong việc xử lý nợ đến hạn, đôn đốc thu hồi nợ và cho vay quay vòng kịp thời, không để tồn đọng vốn.
Nghĩa ĐồngDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.