Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc: 20 năm đồng hành cùng địa phương trong việc xóa đói giảm nghèo

Địa phương
10:06 AM 08/08/2022

Đó là những gì Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Vĩnh Phúc đã, đang và tiếp tục thực hiện nhằm giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn vay an toàn, hiệu quả, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập theo Quyết định số 29/QĐ- HĐQT, ngày 14/01/2003 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH với nhiệm vụ được giao là thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, của cấp ủy, chính quyền đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp, có hiệu quả của Ban đại diện HĐQT, sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH tỉnh với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (như Hội nông dân, Liên hiệp Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên), sự ủng hộ của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể cũng như của người nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương trong thực thi nhiệm vụ, nhờ đó đã thực hiện tốt mục tiêu Đảng và Nhà nước đề ra.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc: 20 năm đồng hành cùng địa phương trong việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống - Ảnh 1.

Đồng chí Tạ Ngọc Thảo - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc

Mô hình hoạt động phù hợp với thực tiễn và phát huy hết hiệu quả

Trong 20 năm qua, mô hình tổ chức của NHCSXH luôn được quan tâm, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả; huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách. Mô hình tổ chức của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay gồm bộ máy quản trị là Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, cấp huyện và bộ máy điều hành tác nghiệp là chi nhánh NHCSXH tỉnh và 8 Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố.

Bộ máy quản trị NHCSXH hiện nay gồm: Trưởng Ban là Phó Chủ tịch UBND, các thành viên trong Ban đại diện là Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội liên quan. Cơ cấu, thành phần Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện cũng tương tự như cấp tỉnh nhưng sau đó bổ sung thêm Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện. Đến 30/6/2022, tổng số thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH Vĩnh Phúc là 238 thành viên, trong đó Ban đại diện cấp tỉnh có 12 thành viên, 9 Ban Đại diện cấp huyện, thành phố có 226 thành viên (có 136 thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã).

Theo mô hình này Ban đại diện HĐQT các cấp trực tiếp chỉ đạo hoạt động NHCSXH, giám sát việc sử dụng nguồn tài chính Nhà nước tài trợ cho hộ nghèo, vùng nghèo, cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân và các đối tượng chính sách khác không bị chệch hướng, thất thoát, lãng phí, vốn không đến đúng địa chỉ người thụ hưởng. Trong quá trình hoạt động, mặc dù hàng năm có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức NHCSXH đã tham mưu cho UBND tỉnh, UBND cấp huyện bổ sung, kiện toàn kịp thời.

Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố đã thực hiện chế độ mỗi cán bộ chuyên sâu một công việc và biết nhiều việc: cán bộ tín dụng kiêm lái xe, cán bộ tín dụng có thể làm kế toán, thủ quỹ và ngược lại... Đội ngũ cán bộ tại Hội sở tỉnh, Phòng giao dịch các huyện, thành phố luôn nỗ lực vượt qua khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhiệm vụ được giao, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát với dân, luôn tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Có thể nói, mô hình Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, cấp huyện đã thực sự phát huy được sức mạnh, hiệu quả, trở thành mô hình đặc thù riêng có của hệ thống NHCSXH.

Huy động được nhiều nguồn lực tài chính và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn

Phương thức cho vay chủ yếu tại NHCSXH hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Việc ủy thác này được Phòng giao dịch NHCSXH huyện thực hiện trên cơ sở Văn bản liên tịch được ký kết với tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, Hợp đồng ủy thác ký với tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và Hợp đồng ủy nhiệm ký với Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị - xã hội của NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc là 3.527.911 triệu đồng với 78.457 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 99,42% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai thực hiện tại chi nhánh.

Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ TK&VV dưới sự chứng kiến tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và Trưởng thôn, Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại các Điểm giao dịch xã được triển khai có hiệu quả trong những năm vừa qua đã góp phần đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời. Thông qua phương thức cho vay này, tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức Hội được mở rộng, phong phú, uy tín của các Hội đoàn thể được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.

Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện ủy thác qua NHCSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, Huyện ủy, HĐND, UBND tỉnh, UBND cấp huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

"Điểm sáng" mới trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam

Đồng chí Tạ Ngọc Thảo – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là "điểm sáng" và là một trong những "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương.

Trong giai đoạn tiếp theo, từ 2021-2030, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo và tổ chức triển khai tích cực hơn nữa việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, phối hợp chặt chẽ hơn với các tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo tính kịp thời, tính hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn, phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc trong từng giai đoạn, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn và phù hợp với lòng dân, được Nhân dân tin tưởng và đồng tình ủng hộ".

Việt Dũng
Ý kiến của bạn
Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ

Vietnam Airlines mở bán tăng cường vé của 2.000 chuyến bay khai thác từ sau 21h hằng ngày trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè sắp tới, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…