Ngân hàng, công ty tài chính chật vật thu hồi nợ

Ngân hàng
09:11 AM 02/10/2021

Có tài sản đảm bảo đã rao bán tới lần thứ 42 vẫn chưa thành công. Trong khi đó, một khoản nợ khác chỉ trong 1 tháng đã giảm giá khởi điểm tới một nửa.

Trong khi nguy cơ nợ xấu tăng cao thời gian tới, công tác thu hồi nợ xấu thời gian gần đây của các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn khi rao bán tài sản đảm bảo mãi không thành.

VietinBank Bắc Hà Nội vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHh Kinh doanh Thương mại và Xuất nhập khẩu Cát Tường lần thứ 6 để xử lý, thu hồi nợ nay. Tổng dư nợ của khoản vay lên tới gần 51 tỷ đồng nhưng ngân hàng rao bán với giá khởi điểm chỉ gần 31,7 tỷ, tức bằng 62% giá trị khoản nợ. Tài sản đảm bảo khoản vay này là nhà xưởng và công trình, đất cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. 

Thậm chí tại BIDV, có tài sản đảm bảo được rao bán tới lần thứ 42 vẫn chưa thành công đó là tài sản bảo đảm của Công ty CP Thúy Đạt tại BIDV Thành Nam. Tàn sản rao bán là dây chuyền in, máy móc thiết bị ngành sợi, nhuộm,…Giá khởi điểm 6,2 tỷ đồng. 

Agribank tiếp tục rao bán khoản nợ hơn 312 tỷ đồng của Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm. Giá khởi điểm hiện chỉ  còn 166 tỷ đồng, giảm tới gần 1 nửa so với đợt chào bán cách đây 1 tháng. Tài sản thế chấp cho khoản nợ của Xuân Lãm tại Agribank bao gồm: quyền sử dụng hơn hơn 2,3ha đất bao gồm 2.657,6 m2 đất chung cư tại phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; 12.607,6 m2 đất xây dựng bãi đỗ xe, xưởng sửa chữa xe, nhà tập thể, nhà văn phòng tại phường Thanh Sơn, thị xã Uông Bí (nay là thành phố Uông Bí), tỉnh Quảng Ninh; 10.556 m2 đất ở đô thị tại phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; cùng 2 máy xúc, 1 xe ủi, 1 máy rung, 1 máy xúc đào bánh xích đã qua sử dụng.

Không chỉ tài sản máy móc, bất động sản mà những tài sản nhỏ lẻ như xe ô tô cũng được ngân hàng rao bán hàng loạt thời gian qua. Website của VIB đang rao bán tới hơn 100 chiếc xe ô tô với nhiều thương hiệu và phân khúc, trong đó có những chiếc xe sang lẫn xe giá rẻ, có chiếc đã được rao bán được 2 năm nhưng chưa thành công.

Có thể thấy, dù các khoản nợ có tài sản đảm bảo nhưng việc thu hồi nợ vẫn rất khó khăn, đặc biệt là những tài sản máy móc, xe cộ để càng lâu càng dễ hỏng hóc sụt giảm giá trị. Tài sản đảm bảo là nhà xưởng, máy móc sản xuất lại càng kén người mua vì không phải ai cũng có nhu cầu, mua về phải sử dụng được. 

Các khoản nợ có tài sản đảm bảo đã vậy thì với những khoản vay tiêu dùng theo dạng tín chấp, công ty tài chính càng chật vật với bài toán thu hồi nợ hơn. 

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 3, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tích cực đến tình hình lao động, việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67%, cao nhất từ đầu năm đến nay, riêng trong quý 3 tỷ lệ thất nghiệp là 3,43%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị lên tới 3,58%. Và trong 9 tháng đầu năm, hơn 90.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường. 

Sự bùng phát của dịch bệnh lần này đã khiến cho nhiều người bị mất việc làm, giảm thu nhập, đặc biệt là lớp người thu nhập thấp. Điều đáng nói, đây cũng là phân khúc khách hàng chiếm tỷ trọng rất lớn của các công ty tài chính. Các khoản vay tiêu dùng tuy thường là các món vay nhỏ, nhưng có lãi suất khá cao. 

Nhân viên các công ty tài chính cho biết, hàng ngày họ nhận được rất nhiều đơn xin cơ cấu nợ, giảm lãi suất, giãn nợ, miễn lãi,…do giãn cách kéo dài khiến họ không còn nguồn thu nhập để trả nợ vay. Một số công ty tài chính đã có chính sách cơ cấu nợ, tạm hoãn thanh toán trong vòng 4 tháng cho khách hàng. Tuy nhiên, sau thời gian cơ cấu nợ này, khách hàng có trả nợ được hay không vẫn là dấu hỏi lớn bởi công việc hay thu nhập sẽ khó có thể phục hồi một sớm một chiều.

Tại cuộc khảo sát mới đây do Vụ Dự báo Thống kê Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các tổ chức tín dụng đánh giá mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng đã tăng rõ rệt. 50,5% tổ chức tín dụng nhận định mặt bằng rủi ro tăng trong quý 3/2021, 33,7% TCTD dự báo mặt bằng rủi ro tăng trong quý 4/2021 và 50,5% dự báo mặt bằng rủi ro tăng trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với ở các kỳ điều tra trước. Tỷ lệ TCTD nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở mức "cao và khá cao" tiếp tục tăng từ mức 32,1% tại kỳ điều tra trước lên 46,5% ở kỳ điều tra này, ghi nhận mức cao nhất kể từ khi NHNN tiến hành điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (từ quý 1/2014).

Nợ xấu tăng trong thời gian tới là điều không thể tránh khỏi.  Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành ngày 29/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1-7,7%, xấp xỉ 8%. Đây là kết quả dự báo được khi các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14. 

Thu Thuỷ
Ý kiến của bạn