Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Hòa Bình: Khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế địa phương

Địa phương
05:11 PM 18/08/2022

Tỉnh Hòa Bình trong những năm gần đây đang là một trong những địa phương có quyết tâm và khí thế vươn lên xây dựng quê hương vững mạnh, làm giàu cho đất nước. Để thay đổi bộ mặt kinh tế cho tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn có phần đóng góp không nhỏ của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hòa Bình.

Lịch sử 20 năm hình thành và phát triển đã khẳng định đường lối, định hướng của Đảng và Nhà nước là đúng đắn

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/HNTW ngày 10/6/1993 của Đảng và Chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo, tháng 3 năm 1995, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo thiếu vốn sản xuất với số vốn ban đầu là 400 tỷ đồng, do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Ngoại thương đóng góp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay. Quỹ được sử dụng để cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản.

Ngày 31/8/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 525/QĐ-TTg về việc cho phép thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo; ngày 01/9/1995, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 290/QĐ-NH5 về việc thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo đặt trong Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Việt Nam, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, để cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo thiếu vốn sản xuất.

Với mô hình tổ chức được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở tận dụng bộ máy và mạng lưới sẵn có của Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam, Ngân hàng Phục vụ người nghèo đã thiết lập được kênh tín dụng riêng để hỗ trợ tài chính cho các hộ nghèo ở Việt Nam với các chính sách tín dụng hợp lý, giúp hộ nghèo có vốn sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, từng bước làm quen với nền sản xuất hàng hoá và có điều kiện thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, mô hình này phát sinh nhiều hạn chế, làm cho nguồn lực bị chồng chéo, trùng lắp, thậm chí cản trở lẫn nhau, gây nhiều trở ngại cho quá trình kiểm soát của Nhà nước, không tách bạch được tín dụng chính sách với tín dụng thương mại.

Để triển khai Luật Các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; các nghị quyết của Đại hội Đảng IX, nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá X về việc sớm hoàn thiện tổ chức và hoạt động của NHCSXH, tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại; đồng thời thực hiện cam kết với Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế về việc thành lập Ngân hàng Chính sách; ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo, tách ra khỏi Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam.

Ngày 11 tháng 3 năm 2003, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chính thức khai trương. Trong 20 năm hoạt động, đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn vốn tăng gần 20 lần so với năm 2003, quy mô tín dụng cũng theo đó tăng lên, với 121.596 đối tượng khách hàng đang có quan hệ vay vốn, dư nợ tín dụng chính sách. Điều đó cũng thể hiện được niềm tin của người dân vào các chế độ và chính sách ưu đãi của NHCSXH để vay vốn nhằm phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi bộ mặt của địa phương.

NHCSXH đã thể hiện rõ nét vai trò của tín dụng chính sách trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được Quốc hội đánh giá là một điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo, là giải pháp hữu hiệu để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; Tín dụng CSXH đã được cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện, qua đó gắn kết Nhân dân với chính quyền địa phương; các hội, đoàn thể với các hội viên, nguồn vốn đã tác động tích cực đến các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, đảm bảo an toàn và trật tự xã hội.

Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tỉnh Hòa Bình: Khẳng định đúng vai trò trong phát triển kinh tế tại địa phương - Ảnh 1.

Trụ sở Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Hòa Bình

Giữ vững vai trò và chức năng trong phát triển kinh tại địa phương

"Qua 20 năm hoạt động, tín dụng chính sách thông qua NHCSXH đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong tiến trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên cải thiện cuộc sống, thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền" - Đồng chí Nguyễn Minh Hưng – Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Cụ thể hóa, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được tập trung đầu tư cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục đào tạo, chú trọng đầu tư vốn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, gắn việc đầu tư nguồn vốn với công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần giúp cho trên 116 nghìn lượt hộ thoát khỏi ngưỡng đói nghèo theo từng giai đoạn, tạo việc làm mới cho trên 32 nghìn lao động; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 21 nghìn ngôi nhà; hỗ trợ xây dựng 182 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cho hộ gia đình ở khu vực nông thôn; gần 1,1 nghìn lao động là con hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được vay vốn đi lao động ở nước ngoài; giúp gần 40 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo nguồn nhân lực có tri thức cho xã hội; hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho trên 11 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; 417 khách hàng thuộc đối tượng chính sách được vay vốn để xây dựng, sửa chữa và mua nhà ở xã hội.

Cũng trong thời kỳ khó khăn nhất của đất nước đó là ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có 26 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho 3.105 lượt lao động phải nghỉ việc tạm thời; đồng thời thực hiện và triển khai kịp thời Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 20/01/2022 của Chính phủ đã giúp cho 2.034 lao động có vốn để tạo, duy trì và mở rộng việc làm; 159 khách hàng được vay vốn để mua nhà ở xã hội, xây dựng và cải tạo nhà ở; 955 học sinh sinh viên có tiền mua máy tính, thiết bị học trực tuyến; 13 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được vay vốn để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch. Và còn rất nhiều hộ gia đình tuy chưa thoát khỏi khó khăn về kinh tế, song nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã có cơ hội làm chủ cuộc sống của mình. Đó chính là hiệu quả kinh tế - xã hội đem lại từ chính các chương trình tín dụng chính sách trong thời gian qua.

Việt Dũng
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).