Ngân hàng dẫn đầu huy động vốn qua kênh trái phiếu

Ngân hàng
04:27 PM 16/06/2021

Chỉ trong 2 tháng đầu quý II, các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 33.674 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp…

Báo cáo thị trường trái phiếu tháng 5/2021 do Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) mới công bố cho thấy, trong tháng 5/2021, có 46 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 28.410 tỷ đồng, 1 đợt phát hành TPDN ra công chúng trong nước với tổng giá trị 500 tỷ đồng (của Công ty CP Glexhomes) và 1 đợt phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế của Công ty CP Bất động sản BIM với giá trị phát hành 200 triệu USD.

Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 5/2021.

Tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 5/2021. Ảnh: Tạp chí Kinh doanh

Trong nhóm TPDN phát hành trong nước, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỷ đồng, nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trị thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỷ đồng.

Cụ thể, mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 lần 3 năm 2021. Ngày 03/06, ACB đã phát hành 1,200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Trái phiếu có lãi suất 4%/năm, lãi được trả định kỳ mỗi năm một lần. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp và không có tài sản đảm bảo.

Mục đích của đợt phát hành này nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của ACB, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn hoạt động. Theo kết quả phát hành, số trái phiếu này đã được mua bởi 3 tổ chức trong nước.

Ngân hàng BIDV cho biết đã phát hành thành công 700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, lãi suất áp dụng cho kỳ thanh toán đầu tiên là 6,2%/năm. Lãi các kỳ sau bằng lãi suất tham chiếu (lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) cộng biên độ 0,6%/năm.

Mức lãi suất này khá hấp dẫn bởi lãi suất huy động kỳ hạn 3 năm đang được BIDV huy động với lãi suất chỉ 5,6%/năm. Một tổ chức đã mua trọn lô trái phiếu này của ngân hàng.

Trước đó, cũng chính BIDV cho biết một nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đã mua trọn lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng phát hành ngày 20/5 của ngân hàng. Đây cũng là trái phiếu kỳ hạn 7 năm, lãi suất kỳ thanh toán đầu tiên là 6,33%/năm và các năm sau là lãi tham chiếu cộng biên độ 0,75%/năm.

Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu quý II, các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 33.674 tỷ đồng, trong đó, có 5.574 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, còn lại phần lớn trái phiếu tổ chức tín dụng phát hành có kỳ hạn 2-3 năm, lãi suất thấp.

Ngân hàng dẫn đầu huy động vốn qua kênh trái phiếu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thống kê của VBMA cũng cho thấy thời gian qua đã có nhiều ngân hàng tích cực huy động nguồn vốn thông qua trái phiếu. Cụ thể, từ đầu quý II/2021 đến nay, ngân hàng VPBank có tới 15 đợt phát hành huy động 8.900 tỷ đồng; TPBank huy động 5.000 tỷ thông qua 6 đợt phát hành; ACB huy động 5.000 tỷ qua 3 đợt phát hành; VIB huy động 4.000 tỷ đồng cũng qua 3 đợt phát hành…

Đáng chú ý, trong 28,4 nghìn tỷ đồng TPDN phát hành trong tháng 5, có 76% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm (chủ yếu của các ngân hàng, công ty chứng khoán). Trong các trái phiếu lĩnh vực bất động sản, xây dựng, 26% trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5 - 11%/năm.

Theo đánh giá của SSI Research, trái phiếu của các ngân hàng thường không có tài sản đảm bảo, lãi suất thấp hơn trái phiếu doanh nghiệp BĐS, điển hình là lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm của các ngân hàng hiện chỉ vào khoảng 3,7-4,2%/năm, thấp hơn nhiều so với mức xấp xỉ 6%/năm tại hầu hết ngân hàng cỡ lớn và 6,5%/năm với các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ hiện nay nhưng trái phiếu ngân hàng vẫn ghi nhận thanh khoản cao do được đánh giá có độ an toàn cao nhất vì hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.

Thực tế, nhiều ngân hàng có vốn chủ sở hữu bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh như hiện nay, hay đúng hơn là mất khả năng trả nợ hoặc vỡ nợ, do đó ảnh hưởng đến chất lượng tài sản. Khi chất lượng tài sản ngân hàng bị suy giảm, sẽ đẩy tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng về dưới 8%, do đó ngân hàng cần phải bổ sung nguồn vốn cấp 2 bằng cách phát hành trái phiếu có thời hạn ít nhất 5 năm hoặc trái phiếu chuyển đổi để đảm bảo an toàn vốn theo quy định.

Hoài Thương (t/h)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.