Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Các ngân hàng hiện đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với nhiều gói ưu đãi nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, "rã băng" tín dụng mảng bán lẻ, góp phần hỗ trợ đầu ra cho sản xuất, kinh doanh.
Trong chiến lược kinh doanh năm nay, nhiều ngân hàng dự kiến hướng đến phân khúc cho vay tiêu dùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mảng bán lẻ, trong đó ưu tiên cho vay tiêu dùng mua nhà ở...
Hầu hết các ngân hàng đều tung ra các gói cho vay ưu đãi, nhất là cho vay tiêu dùng như xây, sửa nhà, mua nhà, mua xe, mua nội thất. Chẳng hạn, các ngân hàng đang áp dụng mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà dao động trong khoảng 5% - 10,5%/năm. Sau giai đoạn ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 8% - 13%/năm.
Đơn cử, tại Vietcombank, với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất vay ưu đãi trong 6 tháng đầu chỉ từ 6,0%/năm với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng); các khoản vay trung - dài hạn, lãi suất ưu đãi là 6,3%/năm trong 6 tháng đầu.
Còn Sacombank bổ sung thêm 20.000 tỷ đồng, nâng tổng gói vay ưu đãi lên 45.000 tỷ, lãi suất ưu đãi ở mức 6-7%/năm. Đặc biệt, các gói vay phục vụ đời sống mới có lãi suất hấp dẫn hơn, chỉ từ 6,5%/ năm, kéo dài đến hết 31/3/2024.
Thúc đẩy cho vay tiêu dùng là một trong những chủ trương được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích để “rã băng” tín dụng năm 2024.
NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực, mạnh dạn, chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn để tiếp tục khắc phục các khó khăn hiện tại cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, NHNN cũng chỉ đạo ngân hàng thương mại quan tâm đối với tín dụng tiêu dùng. Đây là lĩnh vực càng đẩy mạnh được sẽ càng tạo điều kiện thúc đẩy tăng khả năng tiêu dùng, từ đó đẩy mạnh nhu cầu sản xuất.
NHNN sẽ xem xét chỉnh sửa về mặt quy chế, cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các công ty tài chính cho vay hiệu quả hơn đối với lĩnh vực này. Như vậy, không chỉ đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng mà còn góp phần hạn chế tín dụng đen. Đây là một trong những chủ trương, nhiệm vụ mà NHNN đặt ra ngay từ đầu năm nay.
Trong báo cáo chiến lược 2024 mới phát hành, Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS), các chuyên gia nhận định, nhu cầu tiêu dùng khó tăng đột biến nếu chỉ phụ thuộc vào ngân hàng, bởi mảng cho vay mua nhà hiện nay không nhiều khả quan.
Còn theo các chuyên gia của SSI Research, dù lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay mới đã giảm 3% so với đầu năm 2023, dư nợ cho vay mua nhà vẫn sẽ khó hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024 do giá nhà ở Hà Nội và TP.HCM gần như không giảm trong khi thu nhập và tâm lý của người mua nhà đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2022-2023; nguồn cung về nhà giảm so với thời điểm trước dịch Covid-19.
"Và quan trọng nhất là một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành", chuyên gia SSI Research cho hay.
Do đó, bên cạnh lãi suất thấp, cần có sự thay đổi về pháp lý và hỗ trợ từ các chính sách để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Chia sẻ với báo chí, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết hiện nay, chính sách tiền tệ (giảm lãi suất) và chính sách tài khóa (giảm thuế, phí) đã phối hợp với nhau khá tốt nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước.
Để tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh, thời gian tới, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng, đặc thù đối với mảng tài chính tiêu dùng, tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Minh An (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.