Ngân hàng đua nhau tung gói vay lãi suất thấp, chỉ từ 3,5%/năm, vay tiêu dùng chỉ 6,5%/năm
Để đón mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, thời gian gần đây các ngân hàng đã có nhiều gói cho vay ưu đãi với lãi suất rất thấp.
Từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, các ngân hàng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh như giảm lãi, miễn phí, cơ cấu nợ. Đặc biệt, để đón mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, thời gian gần đây các ngân hàng đã có nhiều gói cho vay ưu đãi với lãi suất rất thấp, áp dụng trong khoảng thời gian nhất định và cho từng phân khúc khách hàng. Thay vì giảm lãi suất cào bằng trên toàn bộ khách hàng, việc thiết kế các gói cho vay lãi suất thấp như vậy được đánh giá sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, đến đúng người cần hỗ trợ.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) mới đây đã triển khai chương trình cho vay đồng hành cùng khách hàng với mức hỗ trợ lãi suất ưu đãi nhất trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.
Theo đó, mức lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho khách hàng chỉ từ 3,5%/năm. Đối với các khoản vay mới trung và dài hạn, lãi suất chỉ từ 4%/năm. Chương trình này áp dụng cho tất cả các khoản vay mới của khách hàng (trừ các khoản vay thấu chi trên thẻ ghi nợ nội địa) phát sinh từ ngày 4/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Ngân hàng cho biết, chương trình này không chỉ là cơ hội cho khách hàng hiện hữu tiếp cận các khoản vay mới với chi phí thấp mà còn là cơ hội cho các doanh nghiêp, khách hàng mới tiếp cận tín dụng cho các dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh sau dịch, đồng thời giúp doanh nghiệp cơ cấu lại tài chính, tiết giảm chi phí, tích lũy nguồn lực để đón đầu các cơ hội kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
BIDV cũng cho biết đang tiếp tục áp dụng gói vay "Kết nối – Vươn xa", theo đó khách hàng được vay với lãi suất chỉ từ 5%/năm với khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng và chỉ từ 5,5%/năm khoản vay kỳ hạn 6 -12 tháng. Đối tượng hướng đến là các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, với các khách hàng tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam, từ nay đến năm BIDV giảm 0,5-1,5%/năm lãi suất cho dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 cho các doanh nghiệp lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort,…Ngân sách hỗ trợ cho gói này là 800 tỷ đồng, áp dụng cho tất cả các kỳ hạn.
Tại Sacombank, ngân hàng này đang triển khai gói tín dụng ưu đãi 20.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tháo gỡ khó khăn do Covid-19 và tăng tốc phục hồi sản xuất kinh dôanh đến hết năm 2021. Trong đó, ngân hàng dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,5%/năm cho kỳ hạn vay đến 3 tháng và 5,5%/năm với thời hạn ưu đãi lên đến 6 tháng. 10.000 tỷ đồng còn lại dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, mua/xây sửa bất động sản, mua xe ôtô với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, thời hạn ưu đãi lên đến 12 tháng. Khách hàng được thanh toán trước hạn mỗi tháng 100 triệu đồng mà không bị mất phí.
HDBank thì có chương trình phục hồi kinh doanh với gói vay online. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký thông tin trực tuyến, hệ thống phê duyệt tự động sẽ đề xuất về phương án tài chính của ngân hàng cho doanh nghiệp. Khách hàng HDBank sẽ được hưởng ưu đãi riêng từ gói tín dụng "Doanh nghiệp vay online nhận ngay ưu đãi lãi suất" với lãi suất vay chỉ từ 4,99%/năm. Tổng hạn mức của chương trình lên đến 5.000 tỷ đồng nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch online. Thời gian áp dụng đến 31/03/2022 hoặc cho đến khi hết hạn mức.
Không chỉ vay sản xuất kinh doanh mà vay tiêu dùng cũng có các gói ưu đãi với lãi suất rất thấp. Agribank cho biết, ngân hàng "bơm" 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng lãi suất thấp cho đến hết năm 2021 hoặc đến khi hết quy mô chương trình. Đặc biệt, lãi suất vay chỉ từ 6,5%/năm đến 7%/năm với mức vay tối đa dưới 4 tỷ và thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi kéo dài tới 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Nhà băng này kỳ vọng gói cho vay tín dụng tiêu dùng này sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế, và đồng thời đầy lùi tín dụng đen trong mùa dịch.
Động thái tung các gói lãi suất ưu đãi với thời hạn áp dụng từ nay đến hết năm 2021 hoặc đầu năm 2022 được cho là để đón nhu cầu tín dụng tăng mạnh cuối năm khi người dân, doanh nghiệp cần vốn để kinh doanh mùa vụ, đặc biệt là dịp Tết.
Mới đây, các doanh nghiệp gửi đến Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM liên quan đến hoạt động ngân hàng. Trong đó, các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đã kiến nghị bổ sung vào nhóm đối tượng được hỗ trợ chính sách về vay vốn với mức giảm lãi suất thấp, đẩy nhanh giải ngân khoản vay... Bởi, doanh nghiệp lương thực, thực phẩm đang rất cần nguồn tài chính mới để bổ sung vào kế hoạch thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm chuẩn bị cho mùa sản xuất phục vụ thị trường Noel và Tết Nguyên đán sắp tới, góp phần bình ổn thị trường, an sinh xã hội.
Được biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến ngày 7/10/2021 đạt 7,42%. Ngân hàng Nhà nước cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra đầu năm là 12%, theo đó các ngân hàng còn dư địa tới khoảng 5% còn lại để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân những tháng cuối năm. Lãnh đạo NHNN khẳng định, mục tiêu năm nay là 12%, nhưng nếu cần thết có thể điều chỉnh linh hoạt để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Bảo việt cho rằng, nhu cầu tín dụng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và dự báo tăng trưởng tín dụng có thể đạt 13% cho cả năm 2021.
Thu ThủyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.