Ngân hàng dùng gần nửa nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu

Ngân hàng
09:21 AM 20/04/2025

Nợ xấu trong những tháng đầu năm 2025 đã tăng lên khoảng 34.000 tỷ đồng. Do đó, ngân hàng phải dùng tới 48% nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu.

Tại Tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, các ngân hàng đang đối mặt với áp lực lớn trong xử lý nợ xấu khi phải sử dụng tới 48% nguồn dự phòng rủi ro.

Ngân hàng dùng gần nửa nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu- Ảnh 1.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng khoảng 34.000 tỷ đồng, trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các TCTD trích dự phòng rủi ro để xử lý.

Đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống, bao gồm cả nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và nợ tiềm ẩn, đạt 5,36%. Nếu loại trừ 5 ngân hàng yếu kém đang tái cấu trúc, tỷ lệ này vẫn ở mức đáng lo ngại 1,93%, tăng 0,2% so với năm trước.

Năm 2024, tỷ lệ thu hồi nợ chủ yếu liên quan đến TSBĐ chiếm khoảng 46,6%. Tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ các ngân hàng với khoản nợ xấu chỉ chiếm 36%; còn lại nợ bán cho VAMC, nợ thi hành án thông qua bán TSBĐ chiếm tỷ lệ rất thấp, đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trong khi nợ xấu tăng nhanh, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu hết hiệu lực, các ngân hàng rất băn khoăn khi không thể thu hồi được nợ, nhưng Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 không quy định về thu giữ TSBĐ trong quá trình xử lý nợ xấu của TCTD. Do đó, các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn về xử lý nợ xấu.

Hiện nay, nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu đến từ việc các TCTD trích từ dự phòng rủi ro, khoảng 48%. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các TCTD, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp, dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản, nếu không xử lý kịp thời.

Hiệp hội Ngân hàng đề xuất Quốc hội cần luật hóa quyền thu giữ, kê biên và hoàn trả TSBĐ trong các vụ án hình sự, hành chính vào dự thảo Luật sửa đổi, nhằm tháo gỡ vướng mắc và bảo vệ quyền lợi ngân hàng cũng như người gửi tiền.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, việc sửa luật lần này cần hướng đến đồng bộ pháp lý, khơi thông nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý nợ trong bối cảnh nợ xấu đang gia tăng nhanh.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn