Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam: Đưa dịch vụ chuyển tiền về tận thôn bản

Tiêu dùng và Tiếp thị
10:52 PM 02/10/2020

Dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử (CF-eBank) đã giúp thành viên của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và người dân tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn, thuận tiện với chi phí hợp lý thông qua giao dịch với các QTDND.

Phát huy vai trò "Ngân hàng của các Qũy tín dụng nhân dân (QTDND)", những năm qua, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã tăng cường đầu tư công nghệ, xây dựng và cung ứng các dịch vụ ngân hàng hiện đại cho các QTDND, mở ra cơ hội rất lớn cho các QTDND phát triển và nâng cao vị thế, nâng cao mối liên kết giữa QTDND với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. 

Đặc biệt, trong đó có dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử (CF-eBank) đã giúp thành viên của hệ thống QTDND và người dân tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn, thuận tiện với chi phí hợp lý thông qua giao dịch với các QTDND.

Dịch vụ CF-eBank của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã trở nên quen thuộc với các thành viên của các QTDND, đặc biệt, tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. CF-eBank đã giúp người dân thuận tiện giao thương, mở rộng sản xuất kinh doanh hay như là chi trả cho con cái học hành. CF-eBank đã thực sự góp phần thực hiện chủ trương của Thống đốc NHNN Việt Nam về chương trình ngân hàng phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Nguyễn Văn Nghị, thôn Tây Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết: Trước đây, mỗi lần muốn chuyển tiền cho con đi học, ông lại phải lên chi nhánh ngân hàng thương mại ở trung tâm huyện cách nhà hơn 7 km. Thế mà nay, ông chỉ cần 5 phút đi từ nhà ra QTDND Cao Minh (Hải Phòng) là có thể chuyển tiền đến tận tay cho con trai và con gái đang học tập ở thành phố Hải Phòng. Cũng từ khi có dịch vụ CF-eBank mà ông Nghị đã dễ dàng mua trên mạng thức ăn chăn nuôi với chi phí hợp lý để phát triển kinh tế gia đình cho dù đối tác cách xa cả hàng trăm km.

Đưa dịch vụ chuyển tiền về tận thôn bản - Ảnh 1.

Dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank đã tăng cường tính liên kết trong hệ thống giữa các QTDND với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. (Ảnh minh họa)

"Cái hay của dịch vụ CF-eBank mà tôi giao dịch tại QTDND là người nhận có thể nhận ngay tại các điểm giao dịch của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các QTDND tham gia mạng lưới chuyển tiền hoặc tới các ngân hàng trên toàn quốc hoặc chuyển cho khách hàng qua CMND/thẻ căn cước, tài khoản với số tiền chuyển không hạn chế. Khi tiền chuyển đến sẽ có thông báo tức thời qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại", ông Nghị cho biết.

Đối với những xã miền núi, vùng sâu vùng xa, dịch vụ CF-eBank không chỉ giúp bà con thuận tiện, chi trả các nhu cầu, dịch vụ đời sống mà hơn thế còn tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Đặc biệt là tránh được những rủi ro, nguy hiểm khi trên đường mang tiền ra trung tâm huyện, tỉnh để thực hiện chuyển tiền.

Với các QTDND, những tiện ích thiết thực từ dịch vụ CF-eBank lại càng thấy rõ. Các QTDND được Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ tối đa khi tham gia hệ thống thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank, từ đó, QTDND đã thực hiện chuyển tiền nhanh cho các thành viên, khách hàng ở tất cả các tỉnh, thành phố và các ngân hàng trên toàn quốc an toàn, nhanh chóng với chi phí hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thành viên và khách hàng tại vùng nông thôn. Qua đó đã nâng cao uy tín, vị thế, thương hiệu của QTDND. 

Dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank cũng đã giúp các QTDND mở rộng thị trường, thu hút đông đảo khách hàng đến mở tài khoản tiền gửi và thực hiện giao dịch chuyển tiền, hỗ trợ phát triển các dịch vụ khác.

Đặc biệt, dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank đã tăng cường tính liên kết trong hệ thống giữa các QTDND với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam; giúp cho các QTDND sử dụng hiệu quả cao nhất vốn khả dụng của mình và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam làm tốt hơn công tác điều hòa vốn. 

Không những vậy, CF-eBank còn là cơ sở để phát triển các dịch vụ thanh toán mới ứng dụng công nghệ thông tin; góp phần thực hiện chủ trương của NHNN về tài chính toàn diện cũng như đẩy mạnh cung ứng vốn và phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Cũng bởi vậy, đến nay dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank đã thu hút đông đảo QTDND. Cho đến nay đã có 533 QTDND tham gia vào mạng lưới thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Mạng lưới giao dịch đã phủ rộng trên 631 điểm, bao gồm 32 Chi nhánh, 66 Phòng giao dịch và 533 QTDND.

Không chỉ thông qua các QTDND cung ứng dịch vụ chuyển tiền đến thành viên đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa để hỗ trợ yêu cầu thanh toán tức thời đối với thành viên, khách hàng của QTDND, từ năm 2016, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng đã triển khai sản phẩm thấu chi tài khoản thanh toán đối với QTDND tham gia thành viên hệ thống CF-eBank và đã được rất nhiều QTDND đón nhận nhiệt tình.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiền thân là QTDND Trung ương, được thành lập ngày 05/08/1995 và năm 2013 được chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo Giấy phép số 166/GP-NHNN ngày 04/06/2013 của Thống đốc NHNN Việt Nam.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là "Ngân hàng" của tất cả các QTDND, thành lập theo quy định của Luật các TCTD nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các QTDND.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện có trụ sở chính tại Tầng 4 - Tòa nhà N04 - Hoàng Đạo Thúy - P. Trung Hoà - Q. Cầu Giấy - Hà Nội với 32 Chi nhánh, 70 Phòng giao dịch.

Hiện cả nước có gần 1.200 QTDND thành viên ở các xã, phường, là các pháp nhân độc lập trong một hệ thống liên kết, được NHNN cấp phép, quản lý và thanh tra, giám sát chặt chẽ.

Minh Ngọc
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.