Ngân hàng HSBC: Lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát
Mặc dù giá dầu và nguyên liệu tăng, HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7%, nhiều khả năng vẫn sẽ nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.
Theo nhận định của Ngân hàng HSBC trong báo cáo mới đây, áp lực lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN.
Cụ thể, trong tháng 4, lạm phát toàn phần chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, kéo theo mức tăng so với cùng kỳ năm trước cũng khiêm tốn ở mức 2,6%, vẫn nằm trong mức kỳ vọng của thị trường.
Lý giải về điều này HSBC cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là nhờ chi phí vận tải thấp, một phần do giá dầu thế giới giảm trong tháng 4, một phần do Việt Nam hạ thuế bảo vệ môi trường. Kể từ 1/4, mức thuế bảo vệ môi trường, chiếm phần lớn nhất trong các loại thuế và phí với nhiên liệu, đã cắt còn 2.000 đồng đối với xăng và 700-1.000 đồng đối với các mặt hàng nhiên liệu khác.
Trong khi đó, chi phí thực phẩm cũng giảm 0,1% so với tháng trước, cho thấy giá nông sản nội địa ổn định so với các nước khác trong khu vực vốn đang phải đối mặt với tình trạng giá thực phẩm cao hơn.
Thực tế, các mặt hàng cốt lõi là nguyên nhân chính. Giá đã tăng trên diện rộng ở một số hạng mục chính như giáo dục, dịch vụ và bán lẻ. Cụ thể, chi phí "nhà ở và vật liệu xây dựng" tăng 0,6% so với tháng trước, cho thấy chi phí tiện ích và thuê cao hơn khi công nhân ở tỉnh tiếp tục trở lại các thành phố.
"Nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa thế giới có xu hướng tiếp tục tăng, chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7% trong năm 2022. Áp lực giá nhiều khả năng vẫn sẽ nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước", HSBC nhận định.
HSBC đồng thời cảnh báo những thách thức cản trở thương mại đang mạnh dần lên, do biến động ở Mỹ và Trung Quốc. Tại Mỹ, tác động của đại dịch đã giảm nên nhu cầu chuyển dần từ hàng hóa sang dịch vụ. Nhà băng này cho rằng điều đó sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc khi nước này đang phong tỏa nhiều nơi để chống dịch. Khoảng 30% nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc. Vì vậy, tình trạng tắc nghẽn trong khâu vận chuyển ở nước này sẽ cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai.
HM (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.