Ngân hàng KienlongBank nơi tỷ phú giàu thứ 3 sàn chứng khoán đang làm Phó TGĐ có gì đặc biệt?
Mặc dù hoạt động kinh doanh có phần khá khiêm tốn nhưng một điều bất ngờ là giá cổ phiếu KLB của KienlongBank tăng vượt trội.
Top người giàu nhất sàn chứng khoán bất ngờ có sự xáo trộn lớn khi một gương mặt mới nổi vượt qua hai tỷ phú gạo cội Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) và Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group) và đứng thứ 3 người giàu nhất sàn.
Nhân vật này là ông Đỗ Anh Tuấn, sinh năm 1975, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunshine, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kiên Long, với giá trị tài sản lên đến 43.956 tỷ đồng.
Vị tỷ phú này đang giữ vị trí thứ ba trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán, sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, và tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.
Theo thống kê, khối tài sản của ông Đỗ Anh Tuấn đến từ việc sở hữu 65% cổ phần tại CTCP Phát triển Sunshine Homes (SSH), 4,97% cổ phần tại KienLongBank (KLB), 54,24% cổ phần tại CTCP Tập đoàn KSFinance (KSF), và 10% cổ phần tại CTCP Xây dựng SCG (SCG).
Ông Đỗ Anh Tuấn quê gốc tại Thanh Hóa và hiện là Chủ tịch HĐQT tại một loạt doanh nghiệp gồm: Tập đoàn Sunshine, SSH, KSF, SCG, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Sao Ánh Dương đồng thời là Phó Tổng Giám đốc KienlongBank.
Sự lên hạng trong top người giàu của ông Tuấn khiến tên tuổi của Ngân hàng TMCP Kiên Long được nhiều người nhắc đến. Ngân hàng nơi vị tỷ phú này làm phó Tổng giám đốc có điều gì đặc biệt?
KienlongBank được thành lập năm 1995 với tên ban đầu là Ngân hàng TMCP Nông thôn Kiên Long, trụ sở chính đặt tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang với vốn điều lệ 1.2 tỷ đồng. Đến năm 2006, KienlongBank đổi từ ngân hàng nông thôn sang ngân hàng đô thị.
Tính tới hết ngày 31/10/2021, nhà băng này có Hội sở và 134 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước. Vốn điều lệ của KienlongBank tính đến thời điểm này khoảng 3.653 tỷ đồng. Vốn hóa tính đến hết ngày 17/1/2022 đạt mức 9.579 tỷ đồng.
Nếu so sánh với các nhà băng khác, KienlongBank thuộc top quy mô nhỏ nhất trong hệ thống. Ví dụ về vốn điều lệ hiện nay những nhà băng top đầu như Vietcombank đạt mức 47.326 tỷ đồng, BIDV là 50.585 tỷ đồng hay Techcombank là 35.109 tỷ đồng.
Vốn điều lệ là yếu tố tiên quyết đối với một ngân hàng trong việc đảm bảo hệ số an toàn vốn. Trong thời gian gần đây, các ngân hàng ráo riết tăng vốn là để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro Basel II, đã được hầu hết các ngân hàng nêu trên triển khai từ năm 2019.
Quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp cũng khiến hoạt động kinh doanh của KienlongBank có phần khiêm tốn. Thu nhập lãi thuần của nhà băng này trong năm 2020 đạt mức 952 tỷ đồng, giảm 5,5% so với năm trước đó. Chỉ tiêu này của KienlongBank trong quãng thời gian từ năm 2012 liên tục đi ngang hoặc sụt giảm sau khi đạt mức đỉnh 1.078 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của nhà băng này cũng khiêm tốn khi đạt mốc 158 tỷ đồng năm 2020. Lợi nhuận của KienlongBank thậm chí còn liên tục giảm sau khi đạt đỉnh 525 tỷ đồng vào năm 2011.
Một phần giải thích cho việc lợi nhuận của nhà băng này liên tục bị ăn mòn đến từ việc quản lý chi phí hoạt động doanh nghiệp. Năm 2007, thu nhập lãi thuần của KienlongBank đạt mức 107 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp là 32 tỷ đồng. Thế nhưng đến năm 2020, chi phí tăng lên mốc 1.085 tỷ đồng, gấp 34 lần trong khi thu nhập lãi thuần chỉ tăng chưa tới 9 lần.
Mặc dù hoạt động kinh doanh có phần chưa được hiệu quả và khá khiêm tốn nhưng một điều khá bất ngờ là giá cổ phiếu KLB của KienlongBank tăng vượt trội. Nếu so sánh với trong cùng quãng thời gian từ năm 2018, cổ phiếu này tăng 215,25% , vượt xa mức 88,05% của Vietcombank và VnIndex là 36,7%.
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.