Ngân hàng MSB chuẩn bị sáp nhập thêm một ngân hàng
Đây là thông tin được phía MSB công bố trong tài liệu phục vụ cho Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến diễn ra cuối tháng 4 tới đây.
Trong tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 21/4 tới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho biết, MSB sẽ trình Đại hội đồng cổ đông phương án sáp nhập thêm một ngân hàng.
Trước đó, ngân hàng này đã có kinh nghiệm trong việc sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của NHNN. Chính vì thế, theo đánh giá của lãnh đạo MSB, việc sáp nhập sẽ mở ra tương lai mới cho ngân hàng.
Tổ chức tín dụng sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt. Tới thời điểm hiện tại, danh tính của đơn vị sẽ sáp nhập vẫn chưa được công bố.
HĐQT sẽ được quyết định các nội dung liên quan đến việc nhận sáp nhập, gồm nhưng không giới hạn ở nội dung phương án sáp nhập, các điều kiện thực tế triển khai, thời hạn cụ thể nhận sáp nhập, phương án phát hành, hoán đổi cổ phiếu trái phiếu, chuyển đổi tài sản (bao gồm cả trường hợp có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của MSB ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc một tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại điều lệ của MSB, nếu có).
Nếu M&A thành công, 2 bên có thể khai thác được những lợi thế của nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra cơ hội kinh doanh mới.
Về kế hoạch kinh doanh, đánh giá năm 2023 vẫn là năm khó khăn với nền kinh tế, kịch bản tích cực còn khá dè dặt, MSB đặt mục tiêu ưu tiên là phát triển bền vững, tập trung công tác quản trị vững mạnh, tiếp tục gia tăng hàm lượng số hóa trong sản phẩm – dịch vụ, giữ vững vị thế là ngân hàng thấu hiểu khách hàng và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.
Cụ thể, tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230 nghìn tỷ; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 141,7 nghìn tỷ; huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10% đạt 142 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Một nội dung quan trọng khác trong tài liệu là việc MSB hiện không có kế hoạch chia cổ tức, cổ phiếu thưởng trong năm 2023. Ban lãnh đạo cho biết, tình hình thị trường cổ phiếu nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế lãi suất, yêu cầu chú trọng quản trị rủi ro cao từ cơ quan quản lý.
Vì vậy, ngân hàng muốn giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại để tạo nguồn vốn đệm vững chắc cho ngân hàng. Khi tình hình thị trường diễn biến tích cực hơn, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức/cổ phiếu thưởng phù hợp cho lợi nhuận tạo ra năm 2022.
MSB gia nhập thị trường Việt Nam năm 1991. Hoạt động chính của Ngân hàng là thực hiện các giao dịch ngân hàng bao gồm huy động và nhận tiền gửi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các tổ chức và cá nhân; cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các tổ chức và cá nhân trên cơ sở tinh chất và khả năng nguồn vốn của Ngân hàng, thực hiện các giao dịch ngoại tệ, các dịch vụ tài trợ thương mại quốc tế, chiết khấu thương phiếu, trải phiếu và các giấy tờ có giá khác; thực hiện các nghiệp vụ thanh toán, ngân quỹ; thực hiện góp vốn, mua cổ phần, đầu tư trái phiếu và các dịch vụ ngân hàng khác được NHNN cho phép.
Số vốn điều lệ của Ngân hàng là 15.275 tỷ đồng. Ngân hàng có 1 Hội sở chính, 62 chi nhánh, 201 phòng giao dịch tại các tỉnh và thành phố trên cả nước.
Kết thúc năm 2022, tổng tài sản của MSB đạt 212.776 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.787 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với năm 2021. Tiền gửi huy động từ khách hàng ghi nhận trên 117.000 tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021. Cho vay khách hàng đạt hơn 120.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 19% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng đạt 16,35% theo đúng chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước cấp, với danh mục tín dụng được chuyển dịch linh hoạt nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả sử dụng.
Mai PhươngGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.