Ngân hàng nào có biên lãi ròng NIM cao nhất hiện nay?
Lãi suất huy động tiếp tục giảm là một trong những lý do làm cho NIM của nhiều ngân hàng tăng trong quý 4/2020. Bên cạnh đó, CASA tăng cũng có đóng góp cho sự cải thiện này.
Theo thống kê của Fiingroup, biên lãi ròng (NIM) của 26 ngân hàng tiếp tục tăng 7,8 bps trong quý 4/2020 lên 0,96%, tương đương mức NIM 3,84% tính theo năm.
NIM của nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân (JSCB) tăng ít hơn các ngân hàng quốc doanh (SOCB). Nhóm JSCB tiếp tục đà tăng 1,09% (tăng 7,2 bps) trong quý 4 trong khi đó, NIM của nhóm SOCB tăng 0,8% (tăng 8,3 bps) trong quý 4/2020.
Tăng trưởng NIM chủ yếu đến từ tín dụng cho vay khách hàng. Tổng thu nhập lãi cho vay khách hàng của 26 ngân hàng tăng 4,2% trong khi thu nhập lãi từ chứng khoán nợ giảm 0,5% so với quý liền kề trước đó.
Theo tính toán của nhóm phân tích dữ liệu FiinGroup, các ngân hàng dẫn đầu về NIM trong quý 4/2020 (tính theo quý) bao gồm VPBank (2,27%), Techcombank (1,44%), MB (1,35%), HDBank (1,2%), OCB (1,19%). Nếu quy ra năm thì tương đương với mức NIM ở các mức: VPBank (9,06%), Techcombank (5,75%), MB (5,42%), HDBank (4,79%), OCB (4,78%). Đây là mức rất cao so với bình quân ngànhở mức 3,84%.
Lãi suất huy động tiếp tục giảm là một trong những lý do làm cho NIM được cải thiện. Trong khi thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 3,1% so với quý 3/ 2020 thì chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 6%.
Nhiều ý kiến cho rằng CASA đóng góp lớn cho thực tế này nhưng số liệu của FiinGroup cho thấy mức tăng CASA 1,2% trong quý 4/2020 chỉ đóng góp một phần nhỏ.
Khác với xu hướng các năm trước khi tăng trưởng cho vay khách hàng luôn lớn hơn tăng trưởng tiền gửi khách hàng đáng kể, trong năm 2020, cho vay khách cơ bản tăng trưởng chậm hơn và chỉ bắt kịp tốc độ tăng trưởng tiền gửi vào cuối năm ở cùng mức 13,5%. Điểm đáng lưu ý là phần lớn tăng trưởng tín dụng được thực hiện trong quý 4/2020.
Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.