Ngân hàng Nhà nước ban hành một loạt Thông tư ngày cuối năm 2021
Trong đó có quy định mới về xếp hạng ngân hàng, quy định TCTD duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội,...
Trong tuần cuối cùng của năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 5 Thông tư 21-25/2021/TT-NHNN.
Cụ thể, ngày 28/12/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 21/2021/TT-NHNN quy định việc các tổ chức tín dụng duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thông tư này thay thế Thông tư số 23/2012/TT-NHNN và Thông tư số 41/2015/TT-NHNN. Thông tư 21 có hiệu lực từ ngày 11/2/2022.
Thông tư mới sửa đổi, bổ sung Điều 4 về Lãi suất số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo TT mới, giảm phí huy động vốn tối đa từ mức 1,35%/năm xuống mức 1,30%/năm nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với NHCSXH trong việc thực hiện nhiệm vụ về giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.
NHNN cũng bổ sung tại khoản 2 Điều 4 quy định việc NHNN tính toán mức lãi suất huy động vốn bằng VND bình quân chung của các TCTD nhà nước tại thời điểm ngày 31/12 năm trước làm cơ sở xác định lãi suất tiền gửi trong năm.
Ngày 29/12/2021, Thống đốc NHNN tiếp tục ký ban hành Thông tư số 22/2021/TT-NHNN thay thế Thông tư số 43/2011/TT-NHNN ngày 20/12/2011 quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ trong ngành ngân hàng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.
Theo đó, Thông tư thu hẹp phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Thông tư mới quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không điều chỉnh đối với tài liệu hình thành trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng (gọi tắt là tổ chức). Việc điều chỉnh này là do: Các tổ chức nêu trên là doanh nghiệp, có hoạt động đặc thù, theo Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác của cơ quan có thẩm quyền.
Ngày 31/12/2021, NHNN ban hành Thông tư số 23/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2022.
Một trong những điểm đáng chú ý sửa đổi, bổ sung cụ thể quy định về xếp hạng E (yếu kém) của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại "Điều 20. Xếp hạng". Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 20 và bổ sung khoản 8 vào Điều 20 như sau:
"7. Ngoài quy định nêu tại khoản 5 Điều 20 Thông tư này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp hạng (E) nếu lâm vào một trong các trường hợp sau đây:
a) Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
b) Số lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ;
c) Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục.
8. Tổng điểm xếp hạng được làm tròn đến số thập phân thứ hai và theo nguyên tắc như sau:
a) Số thập phân thứ hai tăng 0,01 điểm nếu số thập phân thứ ba có giá trị từ 6 đến 9;
b) Giữ nguyên số thập phân thứ hai nếu số thập phân thứ ba có giá trị từ 0 đến 5".
Ngày 31/12/2021, NHNN ban hành Thông tư số 24/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của Thống đốc NHNN quy định về kiểm toán độc lập với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngânhàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ 15/4/2022.
Theo đó, Thông tư Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 15 như sau:
"2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập, có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản về tổ chức kiểm toán độc lập được lựa chọn cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định sau đây:
a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi cho Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Quỹ tín dụng nhân dân, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố) gửi cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi quỹ tín dụng nhân dân, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở chính.
4. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, gửi kết quả kiểm toán độc lập cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.
5. Thực hiện kiểm toán lại đối với trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ; gửi kết quả kiểm toán lại cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này."
Ngày 31/12/2021, NHNN ban hành Thông tư số 25/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2015/TT-NHNN ngày 6/1/2015 quy định hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2022.
Thông tư bổ sung đối tượng được thực hiện sản phẩm phái sinh lãi suất bao gồm nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sở hữu trái phiếu Chính phủ phát hành bằng VND tại thị trường trong nước.
Bổ sung một số nguyên tắc mà TCTD phải tuân thủ khi thực hiện kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất.
Bổ sung quy định về việc kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử.
Sửa đổi quy định về giới hạn hoạt động kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất cho phù hợp với các quy định hiện hành của NHNN. Ngoài ra, NHNN cũng bỏ quy định về trích lập dự phòng rủi ro.
Thu ThủyTP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước trong 2024.