Ngân hàng Nhà nước đề nghị 3 Bộ cùng phối hợp quản lý thị trường vàng

Chính sách
09:54 AM 20/01/2024

Trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề nghị một số Bộ, ngành phối hợp trong công tác quản lý nhằm nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi.

Ngân hàng Nhà nước vừa có các công văn gửi các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Công an đề nghị phối hợp trong việc quản lý thị trường vàng.  

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định đối với việc phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng.

Đặc biệt là hóa đơn, chứng từ trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Để tăng khả năng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã gửi công văn đến Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đề nghị cơ quan này tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường, phát hiện, xử lý và phối hợp cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm kinh doanh vàng, đặc biệt là trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị 3 Bộ cùng phối hợp quản lý thị trường vàng- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng gửi công văn đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp với cơ quan này và các bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tại Nghị định 24.

Việc Ngân hàng Nhà nước đề nghị phối hợp liên ngành để quản lý thị trường vàng trong bối cảnh thị trường vàng vừa trải qua chuỗi ngày tăng giá của vàng miếng SJC. Vấn đề bất thường là mức tăng của giá vàng miếng SJC có thời điểm lên tới 80 triệu đồng/lượng, kéo chênh lệch giá vàng miếng trong nước với giá vàng miếng thế giới có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.

Hiện Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng miếng. Việc vàng được nhập về hay không, nhiều hay ít, quyền quyết định thuộc về Ngân hàng Nhà nước.

Vàng miếng SJC cũng là thương hiệu vàng được Ngân hàng Nhà nước quản lý từ hơn 10 năm nay và Nghị định 24 là công cụ pháp lý để quản lý thị trường này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần có sự thay đổi.

Trước diễn biến của thị trường vàng, ngày 28/12/2023 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện chỉ đạo các giải pháp bình ổn thị trường vàng.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước. Thủ tướng lưu ý dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước sau đó cho biết sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024 Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024

Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.